- Có bò giống rồi, phải chịu khó chăn nuôi, bò đẻ được bê con sẽ bán lấy tiền cho cái Xén xuống trường huyện học. Năm học tới nó vào lớp 10 rồi...
Anh Sùng ngồi ngoài thềm nhà, nghe vợ nói thì chìa điện thoại di động đang cầm trong tay ra:
- Ờ, ờ... nhưng cái Xén đi học trường nội trú sẽ được Nhà nước miễn học phí, hỗ trợ quần áo, sách vở... Thế nên tao có ý này, mình chỉ nuôi một con bò thôi, bán bớt một con lấy tiền mua điện thoại mới. Mày nhìn này, điện thoại của tao cũ rồi. Trong bản nhiều người có điện thoại mới lắm. Một con bò bán rẻ cũng được khoảng 7 triệu đồng, mua điện thoại 4 triệu đồng, còn 3 triệu đồng thì...
 |
Đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị Binh đoàn 15 và Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 trao tặng bò cho gia đình anh Kpă Oát (tỉnh Gia Lai)
|
Anh Sùng chưa nói hết thì chị Khé đã ngắt lời:
- Không được đâu. Cán bộ bảo đây là... là cái gì ấy nhỉ, à là sinh kế, là cái nồi cơm của nhà mình đấy. Thế nên không được bán bò giống đâu, chỉ được bán bê con thôi... Cán bộ mà biết bán bò giống sẽ đưa lên loa truyền thanh để cả bản, cả xã phê bình đấy.
Anh Sùng cũng biết thế. Hôm trước, anh đưa vợ đi họp các hộ dân thuộc diện được tặng bò giống, cán bộ xã và trưởng bản đã nói đi nói lại đây là bò để bà con nuôi sinh sản, tạo thu nhập từ việc bán bê con, giúp bà con từng bước thoát nghèo, không được bán, không được mổ thịt bò giống... Thế nhưng hình ảnh chiếc điện thoại thông minh với màn hình to, có thể chơi trò chơi điện tử, “lướt” mạng xã hội... cứ bám riết trong đầu anh. Suy nghĩ một lúc, anh Sùng nảy ra “sáng kiến”:
- Bán bò rồi tao sẽ nói dối cán bộ. Thiếu gì cách nói dối. Này nhé, do bò nó không hợp khí hậu ở đây nên bị chết, hoặc do thiếu thức ăn nên phải thả rông bò vào rừng, nó bị lạc rồi...
Thấy vợ còn lưỡng lự, anh Sùng cố thuyết phục:
- Mày không thấy xấu hổ khi chồng sử dụng cái điện thoại xấu thế này à? Tao thì tao ngại lắm. Mấy đứa bạn tao như thằng Dơ, thằng Mùa đều có điện thoại thông minh rồi... Thôi, mày chiều tao lần này đi.
Kinh tế gia đình khó khăn nên anh Sùng phải sử dụng chiếc điện thoại cũ đã mấy năm nay. Nhiều lần chị Khé hứa mua cho chồng điện thoại mới nhưng vẫn chưa thực hiện được, bởi vậy, khi nghe anh Sùng nói thế, chị thấy mềm lòng, đành tặc lưỡi gật đầu đồng ý...
Sáng hôm ấy, anh Sùng đang mải mê với chiếc điện thoại mới mua thì cán bộ khuyến nông xã và trưởng bản đi kiểm tra việc chăn nuôi bò giống của các hộ dân, phát hiện gia đình anh chỉ còn một con. Theo đúng “kế hoạch”, anh Sùng lý giải một con bò đã chết do không hợp điều kiện khí hậu, thời tiết. Tuy nhiên, “cái lý” của anh không thể qua mắt người cán bộ khuyến nông xã có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi.
- Trước khi cấp bò giống, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu kỹ về tính khả thi của dự án nên không có chuyện bò không hợp khí hậu. Vả lại, không hợp khí hậu, thời tiết, tại sao bò giống của các hộ khác đều sinh trưởng, phát triển tốt? Ngay tại gia đình, con bò này vẫn khỏe mạnh đó thôi. Vừa nói, anh cán bộ khuyến nông vừa chỉ vào chú bò trong chuồng nhà anh Sùng đang nghểnh cổ chờ ăn cỏ.
Nghe vậy, anh Sùng buông chiếc điện thoại, cúi gằm mặt, không biết trả lời ra sao. Chị Khé đứng bên cạnh tỏ rõ sự ân hận rồi chậm rãi trình bày lại toàn bộ sự việc.
- Dùng điện thoại cũ đâu phải là lý do để xấu hổ. Chỉ xấu hổ khi mình còn nghèo mà có tư tưởng đua đòi, tự bỏ đi sinh kế, không những không phát triển được kinh tế gia đình mà còn ảnh hưởng đến chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Anh Sùng, chị Khé lắng nghe, thấm từng lời nói của cán bộ, tự nhủ sẽ tập trung lao động sản xuất, chăm sóc chú bò còn lại để bò phát triển tốt, sớm đẻ bê con và không lặp lại sai lầm tương tự...
PHƯƠNG HIỀN