Cầu Ngang là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 36,7%). Qua hơn 3 năm thụ hưởng Chương trình 1719, đến nay, 100% tuyến đường tại các thôn, ấp đều được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Hơn 3 tháng qua, gia đình ông Thạch Phol ở ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa đã được ở trong ngôi nhà mới xây dựng từ nguồn kinh phí của Chương trình 1719. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp cho cả gia đình an cư mà còn là động lực để ông vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông Thạch Phol cho biết: “Căn nhà của gia đình tôi xuống cấp đã lâu nhưng không có điều kiện sửa chữa. Nhờ được chính quyền hỗ trợ 50 triệu đồng mà tôi đã xây được căn nhà kiên cố. Không chỉ giúp làm nhà, chính quyền còn hỗ trợ vốn xây dựng chuồng trại, mua 2 con bò giống để tôi phát triển kinh tế gia đình. Đây là sự hỗ trợ kịp thời và là động lực để gia đình tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế và có cuộc sống tốt hơn”.
 |
Đại diện chính quyền địa phương và người dân đến chung vui với ông Thạch Phol (ngồi giữa) tại căn nhà mới của gia đình. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện các dự án của Chương trình 1719, huyện Cầu Ngang được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 174 tỷ đồng. Huyện đã giải ngân hỗ trợ đất ở cho 21 hộ, hỗ trợ về nhà ở chưa đạt 3 cứng cho 429 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 225 hộ với tổng kinh phí hơn 39,6 tỷ đồng; đầu tư xây mới 89 công trình cầu, đường giao thông với tổng kinh phí hơn 84,1 tỷ đồng... Ngoài ra, huyện còn đầu tư cải tạo, sửa chữa 5 chợ ở vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí 4 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 32 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí hơn 11,4 tỷ đồng; đầu tư 8 mô hình nuôi bò sinh sản thuộc dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 134 hộ với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng...
Đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: “Nhờ triển khai Chương trình 1719, đến nay, diện mạo vùng đồng bào Khmer đã đổi thay rõ nét, kinh tế từng bước được nâng lên. Hiện nay, thu nhập của đồng bào đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Cả huyện chỉ còn 812 hộ nghèo (chiếm 2,1%) và 905 hộ cận nghèo (chiếm 2,4%). Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để giải quyết tình trạng nước sạch cho hộ phân tán cùng những phần việc khác có liên quan, giúp đồng bào Khmer Cầu Ngang có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần đưa vùng quê Cầu Ngang ngày càng phát triển”.
Bài và ảnh: HỮU LỢI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.