Vượt qua con đường nhỏ, len lỏi giữa nương ngô, theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) và đội an ninh Công an huyện Mèo Vạc, chúng tôi đến nhà chị Già Thị Chúa (49 tuổi), thôn Xín Phìn Chư, xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Sau hồi gọi cửa bằng tiếng Mông của Đại úy Sùng Mí Nô (Đội an ninh công an huyện Mèo Vạc), bóng dáng một người phụ nữ nhỏ thó, mặt gầy guộc đen sạm ra mở cửa.
 |
Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP tỉnh Hà Giang), công an huyện Mèo Vạc đến thăm anh Sùng Súa Lử, thôn Thín Phìn Chư, xã Thượng Phùng. |
Chị mặc một chiếc áo phông cùng chiếc váy Mông đã cũ kỹ, bạc màu, đôi mắt trũng sâu, thẫn thờ nhìn… Thấy có khách đến, chị chỉ chào bằng vài câu tiếng Mông rất nhỏ. Chúng tôi được phiên dịch rằng “lại đến vận động à, chồng chưa về đâu, lấy ghế ngồi đợi lúc nhé”.
“Chồng bị người ta dụ dỗ theo tà đạo, bỏ lên núi cầu nguyện được hơn 15 năm rồi, ở nhà thì năm nào cũng mất 5 tháng thiếu ăn, khổ mà không biết kêu với ai; bò, lợn cũng bị người ta đến trộm; anh em họ hàng, bà con hàng xóm không ai tiếp chuyện cả”, chị Già Thị Chúa tâm sự trong nước mắt.
Nhìn quanh trong căn nhà nhỏ, chúng tôi thấy tài sản đáng giá nhất có lẽ là mấy chiếc nồi cũ, con gà mái và đám gà con. Từ ngày chồng đi theo tà đạo, cả gia đình chị chưa từng có một bữa cơm tử tế; 3 đứa con nheo nhóc trong bộ quần áo cũ kỹ.
 |
Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP tỉnh Hà Giang) tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào. |
Ngồi được hơn 30 phút thì chồng chị Chúa trong bộ quần áo đã rách nhiều chỗ, lấm lem bùn đất đi về. Khi được hỏi vì sao vẫn chưa chịu quay về với truyền thống của người Mông, gương mặt anh Sùng Súa Lử, cũng hiện lên những bất định. “Thực ra cũng muốn quay về rồi nhưng lại sợ anh em dòng họ không thích, không giao lưu cùng, sợ ốm đau, sợ cả nhà sẽ chết. Nhưng giờ thấy các con cũng khổ quá, có lẽ mình bỏ đạo thôi...”, anh Lử bỏ lửng câu nói.
“Theo lời của kẻ truyền đạo, nếu không đi theo đạo này, đến ngày tận thế tất cả sẽ bị nước nhấn chìm và chết hết; phải dỡ bỏ bàn thờ thờ cúng tổ tiên... Khổ lắm, mình phải đi lên núi, rồi lang thang khắp nơi, thiếu ăn, thiếu mặc, vợ con ở nhà cũng khổ…”, hướng ánh nhìn vào mấy đứa con đang nép sau lưng vợ, anh Lử thở dài. Có lẽ sau bao nhiêu năm, bây giờ bản thân anh cũng đã có được câu trả lời cho mình rồi.
Theo lời các đồng chí Biên phòng, Công an đây là lần thứ 6 các anh đến để vận động gia đình anh Sùng Súa Lử bỏ tà đạo, quay về với phong tục truyền thống người Mông.
 |
Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đồng bào vùng cao. |
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 1-2007 huyện Mèo Vạc từng là “điểm nóng” khi các đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo người dân tập trung tuyên truyền đạo, hát thánh ca, gây rối trật tự tại chợ xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn (giáp ranh xã Sủng Máng và xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc), khi bị lực lượng chức năng đấu tranh, giải quyết, xử lý có khoảng 200 người dân tộc Dao xã Sủng Máng kéo đến trụ sở xã Lũng Phìn gây sức ép đòi thả các trường hợp đang bị giam giữ, hô hào, phỉ báng chính quyền và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Là huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, Mèo Vạc có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí đồng bào còn nhiều hạn chế, giao thông không thuận tiện nên đời sống đồng bào trước đây còn nhiều khó khăn, chính vì vậy tà đạo có tên “San sư khẻ tọ” xuất hiện trên địa bàn 13/18 xã của huyện từ năm 1997 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1999, năm 2000.
 |
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thăm hộ gia đình từ bỏ tà đạo, quay về phong tục, tập quán truyền thống người Mông tại xã Sủng Trà.
|
Thực hiện Đề án số 23, ngày 22-6-2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025” và Nghị quyết số 27, ngày 1-5-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Huyện Mèo Vạc đã tập trung vào huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thành lập các tổ công tác với những thành viên cốt cán là cán bộ, đảng viên người dân tộc, am hiểu phong tục truyền thống, không kể ngày hay đêm thực hiện “đi từng ngõ gõ từng nhà” để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân bài trừ tà đạo…
Trung tuần tháng 10, theo các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Sùng Súa Lử, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng. Nhấp chén rượu ngô, anh Sùng Súa Lử phấn khởi khoe với chúng tôi về cái chuồng bò đang xây dở: “Giờ nhà mình có đến 12 con bò cán bộ ạ, mình đang xây thêm cái chuồng mới đây này, thật sự cảm ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ nhiều lắm, bỏ cái tà đạo, giờ gia đình mình có của ăn, của để, anh em họ hàng, bà con lối xóm cũng phấn khởi đón nhận mình trở về”.
 |
Anh Sùng Súa Lử, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) từ bỏ tà đạo giờ đây đã có cuộc sống ấm no. |
Sau khi từ bỏ tà đạo, quay về lập bàn thờ theo phong tục truyền thống đồng bào Mông, giờ đây gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, con cái được đến trường học đầy đủ; đặc biệt gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá trong thôn.
Theo Chỉ huy Đồn Biên phòng Xín Cái, sau khi tuyên truyền, vận động các gia đình này từ bỏ đạo lạ, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế; thường xuyên, thăm hỏi động viên các hộ gia đình này để bà con bớt mặc cảm, tự ti...
Còn đối với gia đình bà Chảo Cấu Mẩy, người dân tộc Dao tại xã Sủng Máng (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Máng) đã có cuộc sống mới không chỉ về kinh tế mà cả đời sống tinh thần được nâng lên, sau hơn 5 tháng từ bỏ tà đạo. “Cuối tháng 4 vừa rồi, tôi bị ốm nặng lắm, tôi cứ nằm ở nhà cầu nguyện, nhưng bệnh càng nặng. Công an và chính quyền đến nhà hỏi thăm thấy vậy thì vận động rồi đưa đi viện; các đồng chí lãnh đạo thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện, bác sĩ tận tình chăm sóc nhờ thế mà khỏi bệnh. Tôi cũng hiểu ra tà đạo không giúp gì được mình, chỉ có chăm chỉ làm ăn, tin theo Đảng, Nhà nước thì cuộc sống no ấm thôi”, bà Mẩy chia sẻ.
 |
Từ bỏ tà đạo, người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… một bức tranh tươi sáng đang dần rõ nét ở các thôn, bản vùng cao Hà Giang. |
Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc cho biết: “Cùng với tuyên truyền, vận động từ bỏ tà đạo, để các hộ gia đình này tái hòa nhập với bà con trong thôn, yên tâm phát triển kinh tế, chính quyền các địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên khích lệ tinh thần; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các gia đình nghèo từ các nguồn đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ như: Hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở để người dân “an cư”; hỗ trợ bò, lợn, dê để các gia đình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ dân trí, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp, thực hiện bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống mới cũng được huyện quan tâm thực hiện tốt.
Với sự nỗ lực, kiên trì của hệ thống chính trị, đến nay Mèo Vạc đã xóa trắng tà đạo này tại địa bàn 12/13 xã. Mèo Vạc cũng đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ xóa trắng thành công tà đạo này ra khỏi huyện.
An ninh trật tự được đảm bảo, kinh tế phát triển, người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… một bức tranh tươi sáng đang dần rõ nét cho đồng bào vùng cao biên giới nơi địa đầu Tổ quốc; đặc biệt là những gia đình đã bước qua được quãng thời gian dông tố vừa rồi để có tương lai tươi sáng.
Bài, ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.