Bạch Đích là xã vùng cao biên giới của huyện Yên Minh, với 16 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Nùng, Dao là dân tộc chiếm đa số; đồng bào Dao nơi đây vốn có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc, thể hiện qua hệ thống lễ hội, tín ngưỡng các phong tục tập quán lâu đời, ngôn ngữ, chữ viết các làn điệu dân ca, dân vũ; nhiều lễ tục diễn xướng dân gian của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó tiêu biểu là các nghi lễ cúng Bàn vương, lễ cấp sắc, lễ hội nhảy lửa…
 |
Các địa phương tỉnh Hà Giang khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc trong các hoạt động của nhà trường. |
Ông Phàn Tờ Mìn, Nghệ nhân dân gian ở xã Bạch Đích, chia sẻ: “Bây giờ chủ yếu là truyền dạy cho các thế hệ trẻ, những người biết đọc, biết viết; thế hệ trẻ nắm được nguồn gốc văn hóa dân tộc mình thì sẽ tránh được cái văn hóa ngoại lai”.
Là một trong các huyện vùng cao, núi đá sở hữu công viên địa chất toàn cầu UNESCO, huyện Yên Minh chú trọng việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, dựa vào nguồn lực từ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tổng số nguồn vốn thực hiện Chương trình MTTQ năm 2024 bao gồm cả nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 huyện Yên Minh được giao hơn 514 tỷ đồng; công tác giải ngân, đưa các chương trình, dự án hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực biên giới cho đến nay đã đạt hơn 44%. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi – Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, mở ra giải pháp thu hút nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội.
 |
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) mỗi năm thu hút hơn 300.000 lượt khách. |
Theo ông Nguyễn Đình Duẩn, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Minh, huyện chú trọng, phát huy vai trò của những già làng, trưởng bản, dòng tộc, dòng họ, các nghệ nhân dân gian để giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh các nguồn lực khác, huyện cũng chú trọng triển khai 3 Chương trình MTQG để làm sao phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống.
Còn tại huyện Mèo Vạc, việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học, trực tiếp truyền dạy cho đối tượng là học sinh đang là một trong những giải pháp trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Các đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”, trong các giờ giải lao hằng ngày, hoạt động ngoại khóa, nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian.
 |
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với lễ hội. |
Là địa phương có hơn 96% là đồng bào DTTS, trong đó hơn 78% là đồng bào Mông, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống còn được Mèo Vạc chú trọng thông qua bảo tồn kiến trúc nhà ở, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, duy trì tổ chức các lễ hội như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, lễ hội Phong Lưu Khâu Vai, lễ hội dân tộc Lô Lô, lễ hội dân tộc Dao… Trong đó, tập trung vào nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gồm: Thi dệt vải lanh, chế tác khèn Mông, đan quẩy tấu, múa khèn Mông, tung ngô vào quẩy tấu, xay ngô, thi địu ngô đi cà kheo,..; hoạt động trải nghiệm các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đi đến tham quan tại Mèo Vạc.
Bà Lý Thị Dung, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: “Thực hiện Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Mèo Vạc đã thực hiện mở 5 lớp truyền dạy bảo tồn văn hóa dân tộc như múa, hát dân gian truyền thống dân tộc Nùng ở xã Khâu Vai, dân tộc Lô Lô xã Xín Cái, dân tộc Mông xã Sủng Trà…”.
 |
Nghệ nhân người Dao xã Bạch Đích, huyện Yên Minh (Hà Giang) đang truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. |
Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay, tùy vào nét văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút, phục vụ du khách đến với Hà Giang. Trong 9 tháng của năm 2024, Hà Giang đón khoảng 2,5 triệu lượt du khách, trong đó hơn 290.000 lượt khách quốc tế, khách nội địa trên 2 triệu lượt người, (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 77,1% kế hoạch đề ra), tổng thu từ du lịch ước đạt 6.120 tỷ đồng.
Dù còn nhiều khó khăn song Hà Giang đã và đang chọn hướng đi dựa trên giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho cộng đồng. Chương trình MTQG và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS sẽ là nguồn lực, “đòn bẩy” giúp đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Bài, ảnh: TỐ NHƯ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.