Doanh nghiệp cần phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày 7-2.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng, dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1-11-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu.

“Nghị định số 95/2021/NQ-CP quy định nếu không đảm bảo cung ứng được cho thị trường trong nước, doanh nghiệp phải nhập khẩu để đảm bảo cung ứng, không thể ra thông báo không cung cấp là không cung cấp. Cùng với đó, có thời điểm các nhà máy lọc dầu trong nước ế ẩm, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu đã phải hạn chế nhập khẩu để ưu tiên tiêu thụ xăng dầu trong nước. Giờ đây, các nhà máy lọc dầu như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng cần phải bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường"-Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thiếu xăng, dầu chỉ là cục bộ

Liên quan tới vấn đề cung ứng xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Sự việc này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng ,dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước Tết, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2-2022 đã nâng công suất lên 105%.

leftcenterrightdel
Nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ sản xuất và nhu cầu của ngừời dân. 

Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường nội địa, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil,… để có sự phối hợp chỉ đạo, "phải chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống của người dân mà còn phục vụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

 Giá xăng, dầu sẽ tăng rất mạnh?

Hiện nay, nguồn cung xăng, dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Chính vì vậy, trước thực trạng nguồn cung xăng dầu khan hiếm, cùng với tác động của thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia dự báo giá bán lẻ xăng dầu có thể được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng, dầu có thể tăng mạnh trong kỳ điều hành giá ngày 11-2.

Cụ thể, vào đầu tháng 2, có thời điểm, giá dầu Brent đã leo đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Do thời tiết khắc nghiệt của Mỹ và bất ổn chính trị đang diễn ra giữa các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Bài, ảnh: VŨ DUNG