Ngày nay, khi kinh tế thị trường phát triển, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ phát triển... thì vốn văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng. Một số người già ở các bản, làng đã nắm bắt thời cơ, vận dụng vốn văn hóa của mình vào phát triển kinh tế một cách có hiệu quả, mang lại thu nhập khá cao, không những trang trải cuộc sống của họ mà còn giúp đỡ cho con, cháu, gia đình.

Các già làng và người cao tuổi vốn sở hữu một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế hiện tại và trong tương lai, đó là vốn văn hóa truyền thống. Những người già ở các làng, bản hiện nay là lực lượng chính không chỉ nắm giữ mà còn thực hành các tri thức văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Họ hiểu biết nhiều về các tri thức văn hóa truyền thống từ tri thức dân gian, phong tục, tập quán, nghệ thuật biểu diễn, trang phục, ẩm thực, nhất là các nghề thủ công truyền thống. 

Bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là địa bàn sinh sống của người Mông, trong bản chủ yếu là người già và trẻ em đang đi học. Phần lớn thanh niên trong bản đều đi làm ăn xa.

leftcenterrightdel
Ông Moong Văn Sơn ở bản Minh Tiến, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vận dụng tri thức về y dược học cổ truyền để tạo ra các loại thuốc bán cho những người có nhu cầu. Ảnh: BÙI HÀO

Trong bối cảnh đó, ông Lỳ Xia Chớ, 74 tuổi, sống ngay tại bản mà vẫn có thể kiếm được hàng chục triệu đồng một năm bằng nghề rèn.

Từ kỹ năng rèn truyền thống được cha và bác ruột truyền dạy, ông Chớ đã duy trì lò rèn của mình trong nhiều năm qua. Và hiện nay, ông không chỉ rèn để phục vụ nhu cầu trong bản, mà còn rèn dao bán ra ngoài thị trường.

Kỹ thuật rèn của người Mông vốn nổi tiếng nên sản phẩm của ông Chớ rèn ra rất đắt khách, vì vậy, mỗi năm ông kiếm được 50-60 triệu đồng, gần bằng lương của một công nhân làm ở khu công nghiệp. Ông không phải rời xa quê và cũng tạo ra thu nhập không chỉ nuôi sống hai ông bà mà còn có để giúp con cháu.

Cách đó không xa, tại bản Minh Tiến (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) dân tộc Khơ Mú cũng có những người lớn tuổi lựa chọn tìm kiếm sinh kế từ văn hóa truyền thống. Tiêu biểu như ông Moong Văn Sơn vận dụng tri thức về y dược học cổ truyền để tạo ra các loại thuốc và bán cho những người có nhu cầu.

Từ các bài thuốc được người cha là thầy lang truyền lại, ông Sơn đã chịu khó lên rừng tìm các loại dược liệu về phơi khô và tạo ra các loại thuốc chữa đau dạ dày, đau đại tràng, tiểu đường, cao huyết áp... Ban đầu ông chữa cho một số người, sau đem bán. Người này chữa được thì nhắn bảo người kia. Cứ vậy mà tạo ra mạng lưới xã hội và mang lại cho ông Sơn một khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống gia đình.

Ngoài ra còn nhiều trường hợp tại các bản, làng mà chúng tôi từng được biết đến như những người phụ nữ Thái về làm dâu người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) vận dụng kỹ năng dệt may hay kinh nghiệm làm rượu cần vốn được truyền thụ từ cha mẹ để tạo ra các sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Đó là trường hợp bà Lo Thị Nga làm nghề dệt may thổ cẩm và sản xuất trang phục truyền thống; bà Vi Thị Hòe làm rượu cần... Hay hàng chục hộ gia đình người Thái ở bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) cũng hướng đến phát triển thổ cẩm ra thị trường.

Hay một số gia đình người Thổ ở Quỳ Hợp đã tận dụng kinh nghiệm dân gian về y dược học để phát triển nguồn dược liệu. Có người vận dụng các mạng lưới xã hội để bán các sản phẩm dược liệu và cho thu nhập đến cả trăm triệu đồng/năm, có gia đình mua được cả xe ô tô.

Theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương thì những người già ở các làng, bản có đủ vốn sống và trải nghiệm. Họ không cần thu nhập cao mà cần sự ổn định, đặc biệt là không phải xa quê, không phải sử dụng quá nhiều sức lao động cơ bắp.

leftcenterrightdel
Bà Lo Thị Nga làm nghề dệt may thổ cẩm và sản xuất trang phục truyền thống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: BÙI HÀO

Vậy nên, việc lựa chọn các hình thức để phát triển kinh tế ngay tại địa phương và dựa vào lợi thế của mình là con đường đúng đắn và phù hợp với người già ở các làng, bản hiện nay. Nó vừa giúp người dân có thu nhập, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế.

Từ thực tiễn làm kinh tế của các già làng và người cao tuổi ở các bản, làng dân tộc thiểu số, đã gợi mở cho chúng ta thấy nếu có chính sách phù hợp để vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thì cũng thu được nhiều lợi ích.

Lâu nay, người ta vẫn nghĩ việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng làm tốn kém nhiều tiền của. Nhưng thực tế nếu biết khai thác hợp lý thì vốn văn hóa truyền thống cũng là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong hoạch định chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số hiện nay là khai thác các nguồn lực văn hóa tại chỗ để phát triển kinh tế. Việc phát triển dựa vào khai thác tự nhiên đang ngày càng gặp khó khăn khi các nguồn lực tự nhiên ngày một cạn kiệt mà sự tái tạo lại cần nhiều thời gian.

Hơn nữa, khai thác tự nhiên quá mức làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống thì con người cũng phải trả giá đắt. Trong khi phát triển kinh tế dựa vào nguồn lực văn hóa dù lợi nhuận thu được chậm hơn nhưng lại thu được nhiều lợi ích khác. Vậy nên, cần có những chính sách làm sao để khai thác vốn văn hóa một cách có hiệu quả.

Đó là chính sách bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế, chính sách phát huy các nguồn lực tại chỗ ở địa phương, phát huy lợi thế của từng nhóm xã hội nhất định mà người già là một ví dụ. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đi làm ăn ở các khu công nghiệp, các đô thị đối diện với nhiều rủi ro khiến nhiều người phải suy nghĩ, thì việc phát triển kinh tế từ những nguồn vốn văn hóa tại chỗ như những người già đã làm được là một gợi ý cần phải xem xét và phát huy.

BÙI HÀO