Theo báo cáo của nhiều bệnh viện ở Hà Nội, thời tiết chuyển lạnh nhanh, kéo dài khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện gia tăng, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh nền. Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện E tiếp nhận điều trị cho khoảng 80-100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ, tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng 10%-20%.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị), số lượng bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng, nhất là các bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp... Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba (quận Hoàn Kiếm), lượng bệnh nhân là người cao tuổi đến khám tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Người cao tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba. 

Dịp Tết, chế độ sinh hoạt, ăn uống, sử dụng thuốc ở nhiều người có sự thay đổi, cộng với thời tiết lạnh buốt khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương mạch máu trong thời tiết lạnh; cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến tai biến, đột quỵ.

Theo các bác sĩ, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề. Để phòng ngừa tai biến, đột quỵ, theo khuyến cáo của các bác sĩ: Người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh..., cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng sẽ rất nặng.

Bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết, nhiều người cao tuổi khi có các dấu hiệu bệnh lại tự chữa trị bằng cách mua thuốc uống hoặc bấm huyệt; đến khi bệnh trở nặng mới vào viện, khi đó đã qua thời gian vàng cứu chữa. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột quỵ não nếu được cấp cứu nhanh trong thời gian vàng thì tỷ lệ cứu sống cao; để chậm, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này...

Do đó, bác sĩ khuyến cáo trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người, nhất là người cao tuổi luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K; không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

Với trẻ em, thời tiết lạnh cũng dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày rét đậm, số trẻ được gia đình đưa tới khám và nhập viện có ngày lên đến 2.000 trường hợp. Tại các khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, số trẻ tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cũng tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19.

Thời điểm này, học sinh bắt đầu trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến, vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy, cô giáo rất quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Cùng với biện pháp tiêm phòng, trẻ em cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng, tập luyện nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; vệ sinh bàn tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác...

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm đường hô hấp... cần tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm, tránh trường hợp để trẻ mải chơi bị nhiễm lạnh. Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên và đặc biệt cần chú trọng dinh dưỡng cho trẻ.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU