Khi ký ức trở thành sức mạnh tinh thần
Theo anh Phạm Tuân, Giám đốc dự án Viethoiky.com, một trong những khoảng trống lớn nhất trong việc chăm sóc người cao tuổi hiện nay chính là đời sống tinh thần. “Chúng ta vẫn thường nói đến việc chăm sóc sức khỏe cho người già, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở dinh dưỡng, thuốc men hay các dịch vụ y tế. Trong khi đó, rất ít người để ý rằng sức khỏe tinh thần, cảm giác được lắng nghe, được trò chuyện mới là điều giúp họ sống vui và sống có ý nghĩa hơn”, anh Phạm Tuân chia sẻ.
Xuất phát từ chính những trải nghiệm trong gia đình mình, nơi anh Tuân lớn lên trong vòng tay yêu thương và những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, anh nhận thấy rằng những ký ức tưởng chừng giản dị ấy lại là nền tảng hình thành nhân cách, truyền thống và sự gắn bó giữa các thế hệ. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với những đổi thay của xã hội, các buổi trò chuyện ngày càng thưa vắng, những câu chuyện quý giá cũng dần bị lãng quên. Điều đó đã thôi thúc anh và cộng sự khởi động dự án Viethoiky.com vào tháng 9-2022.
 |
Anh Phạm Tuân, Giám đốc dự án Viethoiky.com trao cuốn hồi ký cho khách hàng sau khi hoàn thiện. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, anh Phạm Tuân và đội ngũ cộng sự cũng gặp không ít khó khăn. Một trong số đó là do nhận thức của nhiều người về giá trị của hồi ký vẫn còn hạn chế. “Nhiều người cho rằng chỉ những nhân vật nổi tiếng mới cần viết lại cuộc đời, trong khi mỗi con người đều mang trong mình một câu chuyện xứng đáng được lắng nghe. Bên cạnh đó, khi làm việc với người cao tuổi, có người không còn nhớ rõ các mốc thời gian, có người gặp khó khăn trong việc nói chuyện, điều đó đòi hỏi tính kiên nhẫn, cảm thông và kỹ năng của người phỏng vấn để có thể khơi gợi và sắp xếp lại những ký ức đứt đoạn. Chính vì vậy, Viethoiky.com không đơn thuần là một dịch vụ nội dung, mà là một mô hình chăm sóc tinh thần chuyên biệt. Đội ngũ của dự án cũng được đào tạo kỹ năng lắng nghe, ứng xử, tâm lý học người già. Nhiều nhân vật xem chúng tôi như con cháu trong nhà vì không chỉ đến để viết, mà đến để lắng nghe bằng sự tôn trọng và thấu cảm”, anh Phạm Tuân bày tỏ.
Một cuốn sách, một đời người
Một trong những câu chuyện để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với anh Phạm Tuân và đội ngũ thực hiện dự án Viethoiky.com là trường hợp của chị Nguyễn Thu Thủy, trú tại phường Đống Đa, TP Hà Nội. Ban đầu, chị Thủy tìm đến dự án với mong muốn thực hiện một cuốn hồi ký tặng mẹ như một món quà tinh thần ghi lại hành trình cuộc đời bà. Tuy nhiên, sau khi nhận sách, xúc động trước những giá trị mà cuốn hồi ký mang lại, chị đã đề nghị đội ngũ thực hiện thêm một cuốn nữa dành cho người bố đã qua đời từ hơn 40 năm trước.
“Dữ liệu trực tiếp duy nhất là một cuốn sổ tay cũ của người bố. Chúng tôi đã rất đắn đo liệu viết về một người đã khuất có khả thi không? Nhưng chính câu hỏi rằng “Sau khi một con người ra đi, họ có thật sự biến mất không?”, lại trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục và mở rộng định hướng của dự án”, anh Tuân kể lại. Sau nhiều nỗ lực và lần dò từng ký ức, cuốn sách viết về bố của chị Thủy cuối cùng cũng hoàn thành. Cầm trên tay thành quả ấy, chị Thủy nghẹn ngào chia sẻ: “Dù bố tôi đã mất từ khi tôi 18 tuổi, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi như được gặp lại ông bằng xương bằng thịt. Cảm xúc rất rõ ràng và trọn vẹn. Gia đình tôi chưa bao giờ gắn bó như lúc cùng đọc cuốn sách ấy”.
Hơn 1.000 cuốn hồi ký đã được hoàn thành chỉ sau chưa đầy 3 năm hoạt động. Mỗi cuốn là một hành trình kể lại cuộc đời của một con người, với những thăng trầm, những khát vọng và cả những điều chưa từng được nói ra. “Có người viết cho chính mình, có người viết cho cha mẹ, cũng có người viết cho người thân đã khuất. Tất cả đều mang trong đó sự nâng niu và trân trọng”, anh Tuân nhấn mạnh.
VÂN HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.