Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, theo phân tích, lý giải của nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia luật, đó là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ, chặt chẽ, thiếu ổn định. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra mà áp dụng luật khác thì lại thành sai; ở thời điểm này thì có thể đúng, nhưng khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.
Phê phán tâm lý sợ sai, trốn tránh trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức là cần thiết; song phải truy tìm nguyên nhân gốc gác của vấn đề mới hy vọng tìm ra giải pháp căn cơ, hữu hiệu.
Suy cho cùng, tâm lý sợ sai không hẳn hoàn toàn là tiêu cực, nhất là những cái sai mà dính dáng đến pháp luật thì chả ai muốn liên lụy, như người xưa đúc kết “vô phúc đáo tụng đình”, vì chốn pháp đình là nơi định đoạt số phận đời người thật mong manh! Thế nên mới có cán bộ bộc bạch nỗi niềm rằng, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”!
 |
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 5-6. Ảnh: VPQH |
Lại nhớ, cũng tại nghị trường Quốc hội, một đại biểu đã phát ngôn thẳng thắn đại ý, chúng ta có cả một “rừng luật” nhưng nơi này, nơi khác lại ứng xử với nhau theo kiểu “luật rừng”. “Rừng luật” là làm ra rất nhiều luật, nhưng nhiều luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng, khó khả thi. Còn “luật rừng” là đối xử với nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, trên áp đặt dưới, khiến cấp dưới có biểu hiện chống đối ngầm, không muốn làm, hoặc nếu làm cũng qua loa, đại khái, vì làm nhiều, làm mạnh nếu không “hợp gu” cấp trên lại dễ sinh chuyện không hay ho liên quan đến bản thân mình.
Những năm qua, công luận đã cảnh tỉnh, phê phán nhiều biểu hiện tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật, mà nói thẳng ra là tham nhũng chính sách. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp từng nhận định, tình trạng cục bộ còn xảy ra khi xây dựng văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách có lợi cho bộ, ngành mình, mà không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội. Thông qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong 5 năm (2017-2021), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phát hiện 554 văn bản do cấp bộ, chính quyền cấp tỉnh ban hành có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền, nhưng cũng có thể là những “dây mơ dễ má” loằng ngoằng khiến cán bộ, công chức “đụng vào” là có thể liên lụy, “dính đòn” pháp lý!
Chúng ta vẫn thường nói: Công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Vì vậy, muốn sớm tháo gỡ tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm thì một trong những giải pháp căn cơ là các chủ thể tham gia xây dựng chính sách (người soạn dự thảo luật, người thẩm định luật, người thẩm tra luật) phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.
Nói theo ý tứ của một đại biểu Quốc hội vừa phát ngôn mới đây, muốn "công phá" vào tâm lý sợ sai của một bộ phận cán bộ, công chức thì những người làm luật cũng không thể đứng ngoài cuộc. Vì đây là lực lượng làm ra thể chế-một trong 3 trụ cột để làm cho chính trị-xã hội ổn định, đất nước phát triển bền vững.
DƯƠNG ANH