Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, ngày 26-11 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt biểu dương những đóng góp quan trọng của Ủy ban Pháp luật vào thành tựu chung của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua. Chủ tịch nêu rõ: Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, trong nhiệm kỳ tới Quốc hội phải tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động. Muốn Quốc hội mạnh thì từng ủy ban của Quốc hội phải mạnh. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ủy ban của Quốc hội cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ.

Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới của Ủy ban Pháp luật nói riêng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung. Trước yêu cầu ngày càng tăng về công tác xây dựng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Chủ tịch đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về cải tiến quy trình làm luật, để đáp ứng nhu cầu về số lượng, đồng thời bảo đảm chất lượng, tính thực thi của các bộ luật được thông qua. Chủ tịch nhấn mạnh công tác giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, cần tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này; đề nghị các đại biểu cân nhắc việc tiến hành giám sát đối với từng vụ việc cụ thể. Chủ tịch yêu cầu mỗi ủy ban trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, nên xem xét số lượng, tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách, có kế hoạch lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ, chuyên tâm với công việc. Chủ tịch nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu về việc tăng cường giám sát, chất vấn tại các ủy ban và việc giám sát, chất vấn phải theo đến cùng, có như vậy mới bảo đảm hiệu quả giám sát, qua đó đáp ứng nguyện vọng và sự mong đợi của cử tri.

Các đại biểu đã đi sâu phân tích các nguyên nhân tồn tại, hạn chế từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và nêu lên nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật nói riêng, của Quốc hội nói chung trong nhiệm kỳ tới. Các đại biểu cho rằng cùng với việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc cho Ủy ban, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, nhất là hoạt động xây dựng pháp luật. Các đại biểu đặc biệt quan tâm sự cần thiết nâng cao hơn nữa chất lượng các bộ luật được thông qua, bảo đảm tính thực thi của các bộ luật trong cuộc sống. Nhiều đại biểu cho rằng công tác giám sát việc thực thi các bộ luật, pháp lệnh cần được tăng cường hơn, đồng thời phải nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các kết luận giám sát.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội trong đó có việc tách Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhiệm kỳ sắp tới.

TTXVN