TS LÊ MINH THÔNG, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội:

 Các giải pháp phải đồng bộ

Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân nêu rất đúng, rất trúng vấn đề và đề xuất các giải pháp rất tốt.

Theo tôi, để nâng cao chất lượng lập pháp thì phải thay đổi lại cách thức làm luật. Hiện nay, chúng ta đang hiểu sai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, cứ nghĩ Quốc hội có chức năng lập pháp là phải có nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Cần tách bạch chỗ này. Luật cũng có thể do các cơ quan khác xây dựng. Vấn đề là các cơ quan phải bảo vệ được các dự án luật của mình trước Quốc hội. Với những dự án luật do các cơ quan khác xây dựng, Quốc hội chỉ cần hoặc thông qua, hoặc phủ quyết mà không cần tham gia vào quá trình xây dựng luật. Cùng với đó, xây dựng dự thảo luật cần chú trọng đến tính cụ thể, chi tiết nhất, đơn giản nhất, ít điều khoản nhưng có thể thi hành ngay.

Về ĐBQH, ở nhiều nước, mỗi nghị sĩ/ĐBQH có cả một đội ngũ giúp việc là các chuyên gia thực sự trên các lĩnh vực. Còn ở ta, ĐBQH không có đội ngũ giúp việc riêng, nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Hơn nữa, do ĐBQH phần lớn là kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của ĐBQH không nhiều. Để giải quyết vấn đề này thì cần nâng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Khi lựa chọn người ứng cử, bên cạnh việc đề cao tính đại diện theo cơ cấu, thành phần cũng cần đúng tiêu chuẩn theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, người ứng cử phải có đủ kinh nghiệm và uy tín. Mà kinh nghiệm và uy tín thì không thể ngày một, ngày hai có được. Đó là sự tích lũy của cả một quá trình.  

Trong triển khai thi hành, cần giám sát rất kỹ việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nếu không thì chính những văn bản quy định chi tiết thi hành luật lại vô hiệu hóa luật. Chính đó mới là những văn bản đi vào cuộc sống, khi luật của ta vẫn chưa khắc phục được tình trạng luật khung, luật ống. Ai là người kiểm tra các văn bản ấy? Hiện nay mới giao cho Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, không đủ sức làm. Ở nước ta đã có quy định về trách nhiệm đền bù của Nhà nước, nhưng đó mới chỉ là đền bù về hành vi sai, chưa phải là đền bù do chính sách sai.

Chất lượng hoạt động lập pháp không chỉ dừng lại ở việc thông qua một đạo luật, mà còn sang cả quá trình thực thi luật đó trong thực tiễn như thế nào. Trong quá trình giám sát việc tuân thủ pháp luật, các ĐBQH, đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội cần coi trọng hơn nữa công tác giám sát việc ban hành văn bản cụ thể hóa, chi tiết hóa luật.

TS TRẦN VĂN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội:

 Chính phủ cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật

Vệt bài “Nâng cao chất lượng lập pháp” của Báo Quân đội nhân dân dù có hạn hẹp về khuôn khổ của bài báo nhưng đã bao quát toàn bộ quá trình hình thành một dự án luật và đi vào cuộc sống, phản hồi lại từ cuộc sống với dự án luật ấy, phản ánh đúng thực trạng hiện nay của việc xây dựng pháp luật. 

Theo tôi, xã hội đang phát triển, đất nước chuyển đổi mô hình kinh tế, cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế nên mọi thứ đều thay đổi rất nhanh, không như giai đoạn trước. Vì vậy, không cầu toàn quá rằng một luật phải tồn tại được 5 năm hay 7 năm. Nếu 1, 2 năm mà có vướng mắc thì cũng phải sửa để tháo gỡ.

Ở Việt Nam, khâu soạn thảo chủ yếu do Chính phủ đề xuất, các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét. Chính phủ cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật. Thực tế cho thấy, có nhiều dự án luật do Chính phủ trình, nhưng sang các cơ quan của Quốc hội rồi mà các cơ quan của Chính phủ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó cũng liên quan tới chất lượng của khâu soạn thảo dự án luật.

Do mỗi kỳ họp, ĐBQH phải nghiên cứu, xem xét rất nhiều dự án luật, chưa kể nhiều nội dung quan trọng khác, nên số lượng hồ sơ phải nghiên cứu rất lớn, đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Nhiều dự án luật không được cơ quan soạn thảo gửi tới đại biểu theo đúng thời gian quy định. Đại biểu không có đủ thời gian nghiên cứu nếu cứ đến sát kỳ họp mới dồn dập gửi lượng thông tin khổng lồ. Đại biểu ở địa phương chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, mỗi năm dành ít nhất hai tháng cho hai kỳ họp Quốc hội, công việc 12 tháng dồn lại cho 10 tháng nên họ có rất ít thời gian. Vì vậy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách văn phòng rất quan trọng trong việc xây dựng chương trình hoạt động.

Theo quy định thì khi trình dự án luật phải bao gồm cả dự thảo nghị định, cần thực hiện nghiêm quy định này. Luật có hiệu lực mà nghị định chậm bao nhiêu thời gian thì bấy nhiêu thời gian luật chậm đi vào cuộc sống. Khoảng trống thời gian càng kéo dài thì càng gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước và cũng gây thiệt hại cho xã hội, doanh nghiệp.

Ths ĐỖ THỊ KIỀU PHƯƠNG (Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính):

Nên tận dụng chất xám của giảng viên các môn luật

Các tác giả của vệt bài “Nâng cao chất lượng lập pháp” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã phân tích khá toàn diện và sâu sắc các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác lập pháp, chỉ rõ những hạn chế trong công tác lập pháp với những dẫn chứng rõ ràng, đưa ra được nhiều giải pháp thuyết phục nhằm nâng cao chất lượng lập pháp hiện nay cùng lý giải chặt chẽ, hợp lý.

Để nâng cao chất lượng lập pháp, tôi cho rằng, cần tăng cường lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án sửa đổi, bổ sung luật hoặc các dự án xây dựng luật mới. Nguồn trí tuệ, chất xám trong nhân dân rất lớn, chưa kể họ là những người chịu tác động trực tiếp bởi các chế độ, chính sách, pháp luật nên hiểu rất rõ quy định nào thực sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, quy định nào ẩn chứa những nội dung gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Tôi nhất trí rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế, đội ngũ trực tiếp soạn thảo các dự án luật trong các cơ quan. Bên cạnh đó, tôi đề nghị tăng cường tận dụng chất xám của giảng viên các môn luật, các chuyên gia pháp luật hàng đầu đang giảng dạy, công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng như đội ngũ luật sư, luật gia giỏi. Họ là những người nghiên cứu rất sâu về pháp luật của từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời thường xuyên tiếp xúc với những người đang hằng ngày phải áp dụng pháp luật trong công việc thực tế, như giảng viên pháp luật về kinh tế giảng dạy trực tiếp cho đối tượng học viên đang là doanh nhân, luật sư tiếp xúc trực tiếp với thân chủ đang gặp vướng mắc liên quan tới pháp luật… Vì thế, họ vừa giỏi về lý luận, vừa hiểu rất rõ từng vấn đề trong thực tiễn thực thi luật pháp. Có thể tận dụng chất xám của giảng viên các môn luật, chuyên gia luật, luật sư, luật gia bằng cách tổ chức và mời họ tham gia các hội thảo, nói chuyện chuyên đề liên quan đến các dự án luật.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị cần tường minh trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân tham gia xây dựng các dự án luật, xác định rõ trách nhiệm của ai và trách nhiệm đến đâu, gắn chặt trách nhiệm với quyền lợi; xây dựng hệ thống tài phán để áp dụng trong trường hợp có sai phạm trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tránh chỉ đổ lỗi một cách rất đơn thuần cho trình độ như hiện nay.

Ông ĐỖ QUANG BÍNH (công chức nghỉ hưu, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội):

Phát huy vai trò của báo chí

Tôi đánh giá rất cao những phân tích, dẫn chứng của các tác giả trong vệt bài "Nâng cao chất lượng lập pháp". Là một cử tri, tôi thấy rằng với một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam thì hệ thống lập pháp cũng ngày càng phải đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Trong đó, ngoài việc ban hành các luật, pháp lệnh có sự hiệu quả nhất định thì cũng khó tránh được một số điểm hạn chế như chất lượng chưa cao, thiếu tính khả thi, chậm đi vào cuộc sống mà Báo Quân đội nhân dân đã nêu.   

Theo tôi, để xây dựng hệ thống lập pháp ngày càng hoàn thiện thì trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo từ đầu đến cuối quy trình xây dựng cần phải nâng cao; hạn chế luật ống, luật khung; quy rõ trách nhiệm đến cùng nếu luật không hiệu quả. Song song với đó, các nhà lập pháp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc thu thập ý kiến của cử tri đóng góp xây dựng dự án luật, phản biện dự án luật và tuyên  truyền để các luật đi nhanh vào cuộc sống.

 

 

(còn nữa)