Định hướng quan trọng này của tỉnh đã được triển khai bằng những kế hoạch, hành động cụ thể, đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Trước đây, mỗi lần đi khám chữa bệnh, mỗi người dân ở Ninh Bình phải mang theo rất nhiều giấy tờ thủ tục, trong đó có thẻ bảo hiểm y tế. Thế nhưng giờ đây, nhờ thực hiện công tác chuyển đổi số, với vài thao tác đơn giản tích hợp thẻ B trên VneID, họ chỉ cần mang thẻ căn cước công dân là có thể thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh; đồng thời có thể xem được lịch sử khám chữa bệnh của mình.
Có thể thấy lợi ích mà chuyển đổi số đem lại cho người dân rất thiết thực và được người dân đồng tình, hưởng ứng cao. Bà Tống Thị Hà, TP Ninh Bình cho biết, không chỉ lĩnh vực y tế, mà giờ đây, chỉ cần ngồi nhà bà cũng có thể nộp tiền điện, tiền nước, thanh toán dịch vụ công ngay tại nhà; khi cần có thể đăng ký, tra cứu thủ tục hành chính thông qua điện thoại...
Chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, thủ tục hành chính (TTHC) được cải thiện là cảm nhận chung của hầu hết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua của tỉnh chính là việc công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Để cụ thể hóa phần việc này, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là về chuyển đổi số, trong đó xác định rõ nguồn lực triển khai (1% ngân sách tỉnh).
 |
Tiện ích trong chuyển đổi số được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng.
|
Bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện kịp thời. Đặc biệt, trong xây dựng xã hội số, tỉnh đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại...
Do vậy, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp về chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành của tỉnh nêu cao tinh thần và xác định mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp; đưa việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số vào công tác toàn khóa, từng năm, từng quý để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cùng với việc quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, tỉnh Ninh Bình lồng ghép giữa xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển, tránh dàn trải, hiệu quả thấp.
Bài, ảnh: AN BÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.