Sự hiện diện của họ không chỉ phản ánh sự tiến bộ về quyền bình đẳng giới mà còn mang lại những lợi ích thiết thực và sâu rộng cho cộng đồng và xã hội. Bằng sự nỗ lực và thành công của mình, họ đã chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhận những vai trò quan trọng và đạt được những thành tựu to lớn trong nền kinh tế tập thể.

Nắm bắt xu thế, chủ động đầu ra

Từ bé, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã được trao truyền tình yêu nghề làm nón truyền thống ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Khi nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, người nghệ nhân ấy đã nắm bắt xu thế của thị trường, phát triển đa dạng bài toán kinh tế của làng nghề nhưng vẫn giữ được trọn vẹn giá trị truyền thống cốt lõi.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, số hộ làm nón lá của làng Chuông chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay, lượng sản xuất cũng chỉ cầm chừng. Cũng vì lẽ đó mà năm 2023, Hợp tác xã Mây tre nón lá Tạ Thu Hương được thành lập với 7 thành viên chính thức và tạo việc làm thường xuyên cho rất nhiều lao động địa phương.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Tạ Thu Hương (áp xanh bên phải) cùng du khách trải nghiệm làm nón lá tại Hợp tác xã.

“Thay vì tập trung vào thị trường trong nước, Hợp tác xã (HTX) của chúng tôi đã nắm bắt xu thế của thị trường nước ngoài và chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó mà nón lá làng Chuông đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia… mà hiệu quả kinh tế cũng tăng lên gấp 6-7 lần so với trước kia”, nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết thêm.

Hiện nay, HTX đã có 6 sản phẩm OCOP 4 sao được Nhà nước công nhận, bao gồm: Nón lá trên lụa, nón lá trắng kỹ đẹp tự nhiên, nón giấy bóng, nón quai thao, nón Thái, nón lá già kỹ đẹp. Nhằm đáp ứng thêm nhu cầu du lịch của địa phương, HTX cũng bố trí thành điểm tham quan trải nghiệm làm nón lá cho các đoàn khách trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
HTX làm nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương tạo việc làm thường xuyên cho rất nhiều lao động địa phương.

Hay như nữ Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Kim Thông bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 59 trên diện tích 2ha trồng cây Sacha Inchi ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) với 7 hộ gia đình.

Giám đốc HTX Đỗ Thị Kim Thông cho biết, mỗi 1ha Sacha Inchi ban đầu được đầu tư khoảng 150 triệu đồng thì có thể thu lại khoảng 350 triệu đồng, đạt từ 5-7 tấn hạt/ha. Ngoài chú trọng vào quy trình sản xuất chuẩn VietGAP, bà cũng tập trung đổi mới toàn bộ máy móc chế biến hiện đại, nhờ đó mà sản phẩm Sacha Incho Kim Thông cũng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2020.

Với mong muốn nhân rộng mô hình cây trồng cho năng suất cao, bà Thông từ Thủ đô, cùng với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên tạo được vùng nguyên liệu 500ha đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật Bản - thị trường khó tính nhưng có nhiều tiền năng. Nhờ đó mà sản lượng bao tiêu của HTX hàng tháng đều đạt khoảng 60-70 tấn hạt và được nhập khẩu vào thị trường châu Âu, Trung Quốc…

“Khi tham gia lãnh đạo HTX, tôi nhận thấy phụ nữ có nhiều lợi thế trong việc quản lý, điều phối sản xuất và kinh doanh. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng và khả năng kiên nhẫn của phụ nữ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và xây dựng niềm tin với khách hàng”, bà Thông bộc bạch.

leftcenterrightdel
Giám đốc HTX Đỗ Thị Kim Thông giới thiệu sản phẩm của HTX cho ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong kinh tế tập thể

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và các tổ chức quốc tế, nữ lãnh đạo HTX không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước đã chứng minh khả năng lãnh đạo xuất sắc, giúp các HTX phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo HTX khá phổ biến và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, HTX của Việt Nam đang phát triển mới chiếm 20% có nữ tham gia lãnh đạo, chúng ta phấn đấu giữ tỉ lệ này đến năm 2030, phụ nữ tham gia lãnh đạo HTX phải trên 20%.

“Với loại hình kinh tế tập thể rất vừa vặn và phù hợp với phụ nữ, gắn với bản địa, làng xóm, kết dính chặt chẽ của phụ nữ khi phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình. Chưa kể, người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay lại chịu thương, chịu khó, kiên trì và nỗ lực đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu có nhiều nữ lãnh đạo HTX tham gia thì loại hình kinh tế tập thể này sẽ phát triển bền vững và khẳng định tính đúng đắn”, bà Vân nhận định.

leftcenterrightdel
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam giới thiệu nón lá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 7-2024, Bà Helma Vermue, Chủ tịch Mạng lưới Phụ nữ và Kinh doanh của LTO (Hà Lan) bày tỏ, bà thực sự ấn tượng về quy mô và phương thức hoạt động của các hợp tác xã Việt Nam do phụ nữ làm chủ mà bà đã đến thăm. “Chúng tôi tin rằng, những người phụ nữ hoàn toàn có thể đương đầu và xử lý được rất nhiều khó khăn và thử thách. Khi có nhiều thành viên là nữ giới, sức mạnh của hợp tác xã sẽ được củng cố”, bà Helma Vermue đánh giá.

Tuy nhiên, Chủ tịch Mạng lưới Phụ nữ và Kinh doanh của LTO cũng cho biết: Cần phải đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích và tăng cường ảnh hưởng của nữ giới tại các hợp tác xã, cung cấp cho họ những kiến thức đúng đắn, đào tạo hợp lý, các công cụ cần thiết để họ thêm tự tin, trở thành nhà lãnh đạo tốt.

Bài, ảnh: MINH ÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.