Từ đầu tháng 8-2022, tại các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) hay các siêu thị, nhà sách lớn tại Hà Nội đã bắt đầu bày bán rất nhiều mặt hàng đồ chơi, phụ kiện trung thu, trong đó chủ yếu là hàng của Việt Nam sản xuất như: Mặt nạ giấy bồi, đầu lân, trống mặt da, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép...

Đặc biệt, các sản phẩm năm nay được cải tiến rất nhiều về mẫu mã, màu sắc, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở mọi lứa tuổi. Điển hình như mặt hàng mặt nạ giấy bồi, ngoài các mẫu về những nhân vật quen thuộc trong dân gian Việt Nam như chú hề, chú tễu, ông địa..., trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều mẫu mới như người nhện, siêu nhân, lập trình viên...

Người dân mua các đồ chơi truyền thống tại phố Hàng Mã (Hà Nội). 

Hơn 40 năm làm mặt nạ giấy bồi vào mỗi dịp Tết Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa (trú tại phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Những năm gần đây, người dân ngày càng ưa chuộng sản phẩm truyền thống, đặc biệt là mặt nạ giấy bồi. Vì vậy, tôi đã chủ động tìm hiểu và tạo ra các mẫu về những nhân vật hoạt hình đang được trẻ em yêu thích hiện nay. Đến thời điểm này, gia đình đã làm gần 3.000 chiếc mặt nạ để bán tại Lễ hội Trung thu phố cổ và bán buôn. Giá bán lẻ 30.000-45.000 đồng/chiếc, tùy từng loại và kích cỡ”. Bên những mặt hàng đồ chơi, phụ kiện trung thu, nhiều cửa hàng cũng bày bán giấy, khung tre, các chi tiết, phụ kiện trang trí để người dân có thể mua về làm đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi theo sở thích.

Vì nắm được nhu cầu thị trường, lại có sự chỉn chu, khéo léo trong cách bài trí sản phẩm nên số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng rất đông. Chị Nguyễn Thị Hà (chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã) cho biết, năm nay, khách tới tham quan, mua sắm tại cửa hàng tăng gấp 3 lần hai năm về trước. Các mặt hàng như đèn ông sao, đèn lồng, đầu lân là những mặt hàng bán rất chạy nên phải nhập hàng liên tục.

Mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn là những lý do khiến các sản phẩm đồ chơi thủ công truyền thống ngày càng được khách hàng trong nước tin tưởng. Tại một cửa hàng trên phố Hàng Lược, vừa chọn đồ chơi cho con, chị Hoàng Thị Liên vừa chia sẻ: "Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và mang tính chất bạo lực. Do vậy, tôi thường lựa chọn cho con những đồ chơi thủ công truyền thống làm bằng gỗ, giấy. Giá những sản phẩm này cũng hợp lý. Trung bình một đèn ông sao có giá từ 10.000 đến 30.000 đồng; đèn lồng giấy phát nhạc từ 30.000 đến 60.000 đồng/chiếc; đầu lân có giá cao hơn, 150.000-600.000 đồng/chiếc tùy loại".

Việc sử dụng đồ chơi truyền thống trong mỗi dịp Tết Trung thu không những giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề đồ chơi truyền thống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Để phát triển trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp, mỗi làng nghề, nghệ nhân cần có sự nhạy bén, sáng tạo và đổi mới trong mẫu mã, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bài và ảnh: ĐOÀN THẢO