Theo báo cáo về giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp, Việt Nam là một trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Hằng năm, ước tính có từ 2,8 đến 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương; trong đó, một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Cùng với đó, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng và quản lý chưa đúng cách đối với nhựa đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.
 |
Cần có cơ chế để người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị ở Hà Nội.
|
Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động vật, thực vật...
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, Việt Nam cần thực hiện cắt giảm dần các sản phẩm nhựa theo giai đoạn, đi kèm với việc khuyến khích các sản phẩm thay thế và cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm rác thải nhựa. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Kế hoạch hành động này cho thấy, Chính phủ sẽ có lộ trình loại bỏ nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển.
Đồng thời, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Theo đó, sau ngày 31-12-2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ một số trường hợp nhất định.
Thực tế cho thấy, quá trình loại bỏ dần nhựa trong sinh hoạt đòi hỏi cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất; đồng thời cần chuẩn bị các cơ chế khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi.
Báo cáo của WB cũng khuyến nghị Việt Nam có thể bắt đầu với những hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú; đề xuất thu phí đối với túi nhựa không phân hủy sinh học và cốc cà phê mang đi. Lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm.
Bài và ảnh: KHÁNH AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.