Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa (RTN) lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng 0,28 -0,73 triệu tấn/năm). Ngành du lịch với hàng trăm triệu khách/năm là một nguồn phát sinh RTN lớn trong nước. Nhận thức được trách nhiệm của mình, Hiệp hội đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu RTN trong ngành du lịch khi vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018 Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 đến 10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần”.

Để giải quyết vấn đề RTN, một số địa phương như Gia Viễn (Ninh Bình), Hội An (Quảng Nam)... đã có giải pháp để thực hiện du lịch xanh. Tuy nhiên, theo các đại biểu tại tọa đàm, tại nhiều địa phương tình trạng RTN gây ảnh hưởng tới cảnh quan du lịch, môi trường và sự phát triển bền vững vẫn còn khá phổ biến. Để giải quyết triệt để vấn đề cần sự vào cuộc không chỉ ngành du lịch mà còn từ chính quyền, người dân...

Ông Vũ Thế Bình bày tỏ: “Chúng ta nói nhiều sự vào cuộc của hệ thống nhưng ai đưa người ta vào. Chúng ta không quá kỳ vọng thay đổi ngay được. Những người làm du lịch phải cố gắng, làm tấm gương để họ nhìn vào mình học tập. Người làm du lịch có nghiêm túc thực hiện không. Hội An là ví dụ tốt. Xuất phát từ hiệp hội và chính quyền ủng hộ, vào cuộc cùng. Chúng ta làm một mình chắc chắn không được nhưng nếu không làm thì không ai ủng hộ. Thứ hai việc chia sẻ quyền lợi với người dân là vấn đề khó nhất. Làm du lịch cộng đồng, sinh thái luôn có câu hỏi đó. Phúc lợi xã hội là họ được hưởng rồi nhưng họ muốn cái gì nhìn thấy ngay. Dự án làm được một phần, tác động vào chính quyền, vào xã hội nhưng rồi làm dần dần. Trong quá trình thực hiện chúng tôi đề ra một số giải pháp như vận động chính quyền, quản lý điểm đến vào cuộc, rà soát điểm đến rồi nêu gương hay bêu tên...”.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Thế Bình phát biểu tại tọa đàm. 

Bên cạnh nhiều giải pháp tổng thể, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất hình thành một công cụ (app-ứng dụng) quản lý RTN. “Vấn đề của app này là hình thành cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về xử lý RTN của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp. Chúng tôi chưa cụ thể mà nêu mong muốn để các doanh nghiệp, địa phương... đề xuất phương án để triển khai”, ông Vũ Thế Bình thông tin.

Tin, ảnh: NGỌC ANH