Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ghi nhận những đóng góp và gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Du lịch nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành (9-7-1960 / 9-7-2025).

6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa, đạt 64,5% so với kế hoạch năm 2025. Tổng thu du lịch đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng.

Du lịch được đánh giá là điểm sáng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ngành Du lịch xác định tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tập trung vào các chương trình kích cầu du lịch năm 2025, tổ chức thành công các sự kiện xúc tiến, quảng bá ở thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, toàn ngành xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự bứt phá, định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu.  

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu,

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng yêu cầu trong thời gian tới, ngành Du lịch và các địa phương cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra; cùng với các địa phương đánh giá và định vị lại không gian phát triển du lịch, tài nguyên du lịch của từng khu vực và quốc gia sau khi thực hiện chính quyền hai cấp để làm mới điểm đến, sản phẩm, kết nối mở rộng không gian phát triển du lịch; tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; xác định lại thị trường trọng điểm; xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc, có chiều sâu, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; kiến tạo các sản phẩm mới để định vị thương hiệu điểm đến; tiếp tục đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến với chủ đề “Việt Nam - Đi để yêu” và hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện.

Tin, ảnh: MINH LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.