Trao đổi với báo chí, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế khẳng định, Cục ATTP đã xử lý rất nhiều vụ TPCN quảng cáo sai sự thật, đồng thời công bố các sản phẩm vi phạm và khuyến cáo người dân cảnh giác.

Bà Trần Việt Nga. 

Phóng viên (PV): Có thể nhận thấy, thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, vấn đề quảng cáo các sản phẩm TPCN như thuốc vẫn diễn ra phổ biến, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?  

Bà Trần Việt Nga: Thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo TPCN vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các vi phạm phổ biến gồm: Quảng cáo sai sự thật; quảng cáo khi chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các sản phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật; quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh; lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo... ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Cục ATTP liên tục phát thông báo về các sản phẩm TPCN có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng.

PV: Cục ATTP đã có những giải pháp nào để ngăn chặn các hành vi quảng cáo TPCN sai sự thật trên, thưa bà?

Bà Trần Việt Nga: Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp quảng cáo gian dối, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Facebook, YouTube... Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN. Trước tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe ngày càng có chiều hướng gia tăng, Cục ATTP đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông như Thanh tra Bộ; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; đại diện Facebook khu vực châu Á-Thái Bình Dương... để tìm ra biện pháp phối hợp tốt nhất nhằm ngăn chặn những hành vi trên. Mặt khác, Bộ Y tế cũng thành lập tổ phản ứng nhanh với các thành viên là đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các cơ quan liên quan để phân công trách nhiệm xử lý vi phạm. Bộ Y tế xử lý vi phạm của các cơ sở có sản phẩm TPCN quảng cáo sai sự thật, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các phương tiện quảng cáo vi phạm gồm báo, đài, website, mạng xã hội... Bộ Công Thương xử lý các website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử vi phạm. Trong năm 2020 và 2021, Cục ATTP đã phạt hành chính khoảng 4 tỷ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo TPCN sai sự thật. Năm 2022, Cục ATTP đã gửi 17 văn bản (với 72 đường link Facebook, 41 đường link website khác) tới Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); gửi 13 văn bản (với 76 đường link quảng cáo trên trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử) tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để xử lý các đường link vi phạm quảng cáo, đóng đường link vi phạm hoặc xóa sản phẩm tại các gian hàng kinh doanh điện tử...

Hàng loạt thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật bị phát hiện và xử lý (ảnh chụp trang web của Cục An toàn thực phẩm). 

PV: Công tác phòng, chống và xử lý những vi phạm này có gặp nhiều khó khăn không, thưa bà?

Bà Trần Việt Nga: Đấu tranh với vi phạm quảng cáo TPCN sai sự thật trên môi trường mạng tất nhiên gặp rất nhiều thách thức vì tính phổ rộng của internet. Phương tiện quảng cáo lại đa dạng, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại, internet, mạng xã hội, trang web của các tổ chức, cá nhân để tư vấn không bị hạn chế về không gian, thời gian; việc đăng ký mở website cũng rất dễ dàng. Mặt khác, việc quảng cáo TPCN xuyên biên giới còn gặp khó khăn khi xử lý vi phạm do các công ty nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại. Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo TPCN. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng TPCN.

Cục ATTP đã có nhiều cảnh báo về các TPCN vi phạm quy định về ATTP, liên tục cảnh báo các sản phẩm vi phạm trên trang: https://vfa.gov.vn, bao gồm các trường hợp tái vi phạm và bị phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ, không phải 100% trường hợp đều được xử lý vì có nhiều trường hợp thông tin về chủ thể vi phạm không đầy đủ. Ví như: Chủ thể ẩn giấu thông tin; chủ thể là cá nhân với địa chỉ không đầy đủ (không có số nhà, đường phố cụ thể); chủ thể là công ty phần mềm; chủ thể đăng ký qua công ty nước ngoài. Hiện nay, thị trường TPCN “vàng thau lẫn lộn”, do vậy, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn; tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường. Người dân khi sử dụng TPCN cần theo tư vấn của bác sĩ; không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng TPCN với hàm lượng cao trong thời gian dài.

PV: Trân trọng cảm ơn bà! 

THANH HẰNG (ghi)