Ngay trong những năm đầy gian khó của cách mạng nước nhà, trong kỷ nguyên độc lập-thống nhất gắn liền với 2 cuộc trường chinh kháng chiến, nhưng ánh sáng của pháp quyền đã được thắp lên. Những người cán bộ Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp luôn khắc ghi phương châm: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người đặt nền móng cho Hiến pháp đầu tiên của nước ta
Trở về sau hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ hiểu rõ: Để khẳng định một quốc gia độc lập, dân chủ, Việt Nam cần một bản Hiến pháp – linh hồn của nền pháp quyền, công cụ bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Yêu cầu này đã được thể hiện rõ từ năm 1919, khi Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles, với lời khẳng định: “Bảy xin Hiến pháp ban hành / Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe đứng ngoài cùng, bên trái. Ảnh tư liệu
|
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945, chỉ 1 ngày sau khi tuyên bố độc lập), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng Hiến pháp là một trong những vấn đề cấp bách hơn cả. Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (Chế Hiến ủy viên hội). Trong đó, Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp – và Giáo sư Đặng Thai Mai là những người được trực tiếp giao trọng trách soạn thảo bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với kiến thức chuyên môn sâu sắc và tinh thần tận tụy, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã soạn thảo 3/4 bản dự thảo, phần còn lại do Giáo sư Đặng Thai Mai chấp bút. Sau khi hoàn thiện, bản dự thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc. Ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”.
Sau đó, bản dự thảo Hiến pháp được công bố để lấy ý kiến nhân dân cả nước. Ngày 6-1-1946, cử tri cả nước đã bầu thành công Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản dự thảo này là nền tảng cho việc xây dựng dự án Hiến pháp năm 1946, sau này được Quốc hội khóa I thảo luận, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ hai (ngày 9-11-1946).
Bản Hiến pháp năm 1946 trở thành nền tảng pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hệ thống cơ quan công quyền trên cả nước-trong đó có Bộ Tư pháp-hoạt động phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng và phục vụ nhân dân.
 |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
|
Cũng trong những ngày đầu tiên hoạt động của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Bộ Tư pháp đã soạn thảo, trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành nhiều sắc lệnh có giá trị pháp lý và ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì trật tự, an toàn xã hội. Đó là sắc lệnh giữ quy định pháp luật của chế độ cũ (trừ những luật lệ có phương hại đến nền độc lập quốc gia) ngày 10-10-1945; sắc lệnh về tổ chức các đoàn thể luật sư ngày 10-10-1945 và sắc lệnh về tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán ngày 24-1-1946.
Tư pháp kháng chiến-Khi pháp luật là vũ khí của nhân dân
Sau khi Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh chuyển công tác, đồng chí Vũ Đình Hòe tiếp nối vai trò người đứng đầu Bộ Tư pháp. Trong khói lửa chiến tranh, ngành Tư pháp không chỉ duy trì hoạt động hệ thống pháp luật, mà còn là một lực lượng quan trọng phục vụ kháng chiến.
Từ năm 1947-1948, liên tiếp các Hội nghị Tư pháp toàn quốc được tổ chức, quy tụ tinh hoa pháp lý để bàn bạc về cải cách, tổ chức bộ máy, xét xử, thi hành pháp luật… Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV được tổ chức vào tháng 2-1948. Trong thư gửi hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Tháng 5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Học tập Tư pháp Trung ương. Trong bài nói chuyện của mình với cán bộ ngành Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.
 |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, người viết tác phẩm "Tư pháp kháng chiến". |
Quán triệt lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong năm 1950, Bộ Tư pháp thực hiện một cuộc “Cải cách tư pháp” toàn diện, từ lập pháp, tố tụng đến tổ chức bộ máy – đặt nền móng cho một nền Tư pháp dân chủ, vì dân, chống lại tàn dư của chế độ cũ và bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân.
Bên cạnh đó, tác phẩm “Tư pháp kháng chiến” của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã phản ánh tư duy pháp lý sắc bén trong thời chiến, khẳng định vai trò của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người lao động, xét xử việt gian và phản động, củng cố niềm tin của nhân dân vào cách mạng.
Ngày 23-1-1957, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cùng với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường được Quốc hội bầu vào Ban sửa đổi Hiến pháp năm 1946, trở thành những hạt nhân quan trọng trong việc sửa đổi toàn diện Hiến pháp năm 1946 thành bản Hiến pháp năm 1959-bản hiến pháp của thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Âm thầm nhưng bền bỉ trong giai đoạn không tên
Từ năm 1960 đến 1980, Bộ Tư pháp không còn tồn tại với tư cách là một bộ độc lập, nhưng linh hồn của ngành chưa bao giờ bị lãng quên. Các cơ quan pháp chế như Vụ Pháp chế và Ủy ban Pháp chế tiếp tục gánh vác vai trò xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Trong thầm lặng, các cán bộ pháp chế vẫn kế tục truyền thống của Bộ Tư pháp, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng, đặt nền móng pháp lý cho một Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Từ việc soạn thảo Hiến pháp đầu tiên, đến tổ chức hệ thống tòa án, luật sư, thi hành án... trong thời kỳ kháng chiến đầy gian khó, Bộ Tư pháp và những thế hệ cán bộ của ngành đã in đậm dấu ấn trong trang sử cách mạng của dân tộc. Không chỉ phụng sự công lý, họ còn viết nên chương đầu của hành trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền – vì nhân dân, do nhân dân và vì tương lai của dân tộc Việt Nam.
CHIẾN THẮNG
(Còn nữa)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.