Khi lòng dân đồng thuận
Chúng tôi về thị xã Kỳ Anh, nơi có Khu kinh tế Vũng Áng, một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên biển dồi dào, mảnh đất Kỳ Anh có nhiều lợi thế riêng, thu hút nhà đầu tư. Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2006, Khu kinh tế Vũng Áng có tổng diện tích 22.781ha, bao gồm 9 xã, phường nằm ở thị xã Kỳ Anh, đến nay thu hút 151 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Việc thu hút nhiều dự án trọng điểm mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cho địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân hậu dự án. GPMB một thời gian dài là “điểm nghẽn” ở Kỳ Anh. Nguyên nhân chính là do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhất là việc đền bù, hỗ trợ di dời các nhà thờ, nghĩa trang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối tượng xấu liên tục xuyên tạc, chống phá, tạo “điểm nóng” trên mạng xã hội khiến tình hình an ninh chính trị có thời điểm phức tạp. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ thị xã Kỳ Anh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ và là một trong 6 chương trình trọng điểm của thị xã.
    |
 |
Đoàn công tác Thị ủy Kỳ Anh chuyện trò với nhân dân xã Kỳ Lợi về công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: VÂN DUNG
|
Đồng chí Đặng Văn Thành, Bí thư Thị ủy Kỳ Anh tâm sự: “Để giải quyết bài toán khó, rút thời gian GPMB, bảo đảm tiến độ dự án, không còn cách nào khác là phải tạo được đồng thuận trong dân, huy động sức dân. Với tinh thần ấy, Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ThU, ngày 30-3-2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB các dự án và xử lý tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.
Nghị quyết 03-NQ/ThU ra đời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ bồi thường, di dời tái định cư, ổn định đời sống dân sinh cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Nghị quyết này được ví như "nghị quyết lòng dân", huy động được sức dân, nguồn lực trong dân để hoàn thành mục tiêu lớn. Từ chỗ là “điểm nghẽn”, thị xã Kỳ Anh từng bước tháo gỡ "nút thắt" GPMB, bảo đảm tiến độ dự án. Đến nay đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư 11 dự án, bàn giao diện tích một phần cho 8 dự án; bàn giao mặt bằng 71/71 vị trí móng cột và 63/63 khoảng cột ở dự án đường dây 500kV nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng. Tổ chức bốc thăm cho hơn 400 hộ đủ điều kiện cấp đất tái định cư; di dời hơn 370 hộ dân lên khu tái định cư...
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II triển khai trên diện tích gần 150ha thuộc 3 xã, phường: Kỳ Lợi, Kỳ Trinh và Kỳ Long từng là “điểm nghẽn”, gây khó khăn trong công tác GPMB của địa phương. Tuy nhiên, đến nay, 98% số dân 3 thôn ở xã Kỳ Lợi đều đồng tình nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Từ cuối năm 2021, thị xã Kỳ Anh bàn giao mặt bằng 4 hạng mục và cơ bản hoàn thành 3 hạng mục, để dự án chính thức khởi động. Đồng chí Nguyễn Văn Hảo, Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Kỳ Anh cho biết: “Trong quá trình vận động, có những gia đình phải bồi thường hơn 1.000m2 đất nông nghiệp, có những dòng họ phải di dời gần 20 ngôi mộ được xây dựng kiên cố, có nhà thờ giáo dân khang trang phải di chuyển. Nhưng chấp thuận chủ trương của chính quyền địa phương, vì lợi ích chung, xây dựng quê hương phát triển, các hộ dân, tập thể đều đồng thuận”.
Nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo
Từ những kết quả trong công tác GPMB ở thị xã Kỳ Anh có thể khẳng định: Khi nghị quyết đã đúng, trúng lại được soi chiếu trong thực tiễn thì nghị quyết ấy càng có giá trị. Điều quan trọng, để nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải kể đến vai trò nòng cốt từ những hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng ở cơ sở với những cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Đồng chí Đặng Văn Thành chia sẻ: Để cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/ThU, Ban Thường vụ Thị ủy đã kiện toàn các đoàn công tác phụ trách chỉ đạo tại các đảng bộ cơ sở, trong đó phân công cụ thể các đồng chí trong thường trực, Ban Thường vụ phụ trách chỉ đạo từng địa bàn phường, xã. Thị ủy thành lập 3 đoàn công tác do đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động ở các xã, phường thực hiện GPMB phục vụ các dự án trọng điểm gồm: Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh. Mỗi đoàn công tác có 15-20 đồng chí là cán bộ thuộc các phòng, ban, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang thị xã cùng tham gia. Mỗi đoàn chia làm các tổ, nhóm phối hợp với các đoàn vận động của xã, phường thực hiện nhiệm vụ ở từng thôn, tổ dân phố và từng hộ gia đình liên quan đến các dự án GPMB.
    |
 |
Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH HẢI |
Là một trong những thành viên của đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Hảo cho biết: “Với phương châm bám sát từng thôn, tổ dân phố, đi từng ngõ, gõ từng nhà, đoàn công tác đến thông tin về chủ trương, chính sách GPMB cho nhân dân. Trong quá trình vận động lại linh hoạt thành lập song song hai tổ: Tổ tuyên truyền, vận động (người đứng đầu cấp ủy chủ trì) và Tổ công tác xử lý vướng mắc (người đứng đầu chính quyền chủ trì) để cùng phối hợp thực hiện”. Với cách làm này, trước đây có nhiều địa bàn từng là “điểm nghẽn” như Kỳ Lợi thì đến nay đã thực hiện GPMB bảo đảm cho 10 dự án lớn nhỏ và hiện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ còn lại bàn giao mặt bằng sạch cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Theo đồng chí Trần Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Long: "Từ khi có nghị quyết của Thị ủy về GPMB, chúng tôi thực hiện các bước theo đúng quy trình. Họp dân, bàn với người dân, thông qua kế hoạch dự án và quá trình thực hiện dự án. Tất cả các khâu kiểm kê, kiểm đếm, áp giá bồi thường được thông báo đến từng người dân và niêm yết công khai, minh bạch tại UBND phường và hội trường thôn. Đối với những phần việc khó như vận động dân các giáo xứ và gia đình có phần mộ người thân nằm trong nghĩa trang thuộc khu vực GPMB, đoàn công tác căn cứ vào tình hình đặc điểm của từng cụm dân cư, từng dòng họ để có cách vận động phù hợp; đồng thời tranh thủ thuyết phục người có uy tín trong gia đình, dòng họ, linh mục các giáo xứ để vận động dân".
Một yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận trong dân là công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành được thị xã Kỳ Anh tập trung quán triệt nghiêm túc. Nhờ đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong công tác kiểm kê, áp giá bồi thường. Những trường hợp cố tình gây rối, xúi giục, lôi kéo, chống đối được xử lý nghiêm, bảo đảm công bằng, giữ vững kỷ cương.
Từ thực tiễn kinh nghiệm và kết quả đạt được trong công tác GPMB ở thị xã Kỳ Anh cho thấy: Trong công cuộc xây dựng, đổi mới, kiến thiết, người dân là chủ thể, đúng với tinh thần “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến dân, tôn trọng dân, huy động sức mạnh đoàn kết trong dân là một nhiệm vụ quan trọng để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm tiến độ các dự án, thúc đẩy địa phương phát triển.
PHẠM KIÊN