Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông
Năm học 2024-2025, tỉnh Hà Giang có hơn 7.000 học sinh lớp 12 đang theo học tại các cơ sở giáo dục cấp Trung học phổ thông (THPT). Để các em có định hướng nghề nghiệp trong tương lai, việc mở rộng những thông tin về thị trường lao động, xu hướng việc làm từ các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề,… được ngành giáo dục Hà Giang tích cực thực hiện.
 |
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổ chức hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh cho học sinh.
|
Bên cạnh thực hiện nội dung theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh phối hợp với các nhà trường, doanh nghiệp tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh. Tại chương trình, các em được thông tin chi tiết về các chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển, học bổng của nhà trường. Qua đó, giúp cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh khối 12 chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích cho chặng đường phía trước.
Cô Vàng Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Mèo Vạc, cho biết: “Năm học 2024-2025, nhà trường có 499 học sinh, trong đó có 67 học sinh khối 12. Công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh luôn được nhà trường xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm học. Cùng với việc phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình hướng nghiệp để học sinh có thể hiểu rõ hơn về các ngành học, phương thức tuyển sinh cũng như xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, cơ hội việc làm và cả những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động; nhà trường còn tổ chức lồng ghép vào các môn học, các buổi sinh hoạt lớp, các buổi chào cờ, các hoạt động ngoại khóa như STEM giúp học sinh có cái nhìn tổng thể về nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau”.
 |
Qua những tư vấn, hướng nghiệp giúp học sinh có được mục tiêu nghề nghiệp cho tương lai. |
Em Lò Thị Niệm, học sinh lớp 12A2, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Qua những chương trình cũng như hoạt động ngoại khóa về hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh, giúp học sinh chúng em xác định được mục tiêu nghề nghiệp cho tương lai”.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, ngành giáo dục Hà Giang đã tổ chức hơn 5.400 buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giáo viên và nhân viên, cùng 500 đợt tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh học sinh tại các trường THCS&THPT.
Ký kết hợp tác, tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động
Trên cơ sở về tỷ lệ, trình độ, thành phần lao động của từng địa phương có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập tốt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các địa phương tổ chức ký kết hợp tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp để giới thiệu những chính sách ưu tiên, hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là với lao động là người dân tộc thiểu số, nhằm tạo điều kiện để họ ổn định việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức các hội nghị, ngày hội việc làm để tư vấn việc làm cho người lao động.
 |
Ngày hội việc làm là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. |
Ông Bùi Văn Vương, Trường Cao đẳng Than, Khoáng sản Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ ở vùng cao có được một hướng đi bền vững, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động và tay nghề của mình. Nhà trường luôn đồng hành, hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình học tập và làm việc. Người học sau tốt nghiệp có thể đạt mức thu nhập từ 16 đến 25 triệu đồng/tháng, các chế độ bảo hiểm, ăn ở, đi lại được bảo đảm đầy đủ”.
Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, từ năm 2021 đến nay, Mèo Vạc phối hợp tổ chức hơn 300 buổi tuyên truyền, tư vấn việc làm, thu hút hơn 30.000 lao động tham gia. Thông qua các buổi tuyên truyền, toàn huyện đã có hơn 13.000 lao động tìm kiếm được việc làm tại các công ty trong nước và đi xuất khẩu lao động.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Giang chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương.
 |
Các hội nghị, ngày hội việc làm luôn thu hút đông đảo người lao động. |
Là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn bằng nông nghiệp; hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề; vì vậy, các địa phương trong tỉnh tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Sau khi được đào tạo, nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công, có hộ có thu nhập khá.
Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã mở hơn 400 lớp đào tạo nghề sơ cấp với hơn 14.300 học viên tham gia, chủ yếu là lao động nghèo; giải quyết việc làm cho 112.000 lao động; trong đó, 36.282 người làm việc tại địa phương, 75.718 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu.
 |
Triển khai tích cực các giải pháp tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. |
Với sự chủ động, triển khai tích cực các giải pháp tạo việc làm cho người lao động, đa dạng các hình thức tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người nghèo, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, hỗ trợ của Chính phủ; nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2024 của Hà Giang giảm 6,26%, tương đương với 11.710 hộ nghèo và cận nghèo (giảm từ 42,61% cuối năm 2023 xuống còn 36,35% cuối năm 2024); đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.