Để thuận lợi trong triển khai cũng như tạo ấn tượng tốt với đồng bào, một điều quan trọng là quân nhân phải hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào, thực hiện nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân.

Vì thế, tôi cho rằng, hiểu rõ và tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào cũng là một kỹ năng mà quân nhân cần trang bị cho mình. Để có thể nắm được phong tục, tập quán của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhất là cán bộ làm công tác địa bàn, công tác vận động quần chúng phải thực hiện hiệu quả “Bốn cùng” với nhân dân là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào.

Đó là kim chỉ nam cho hành động để biết những điều nên và không nên làm, biết những điều cần phải kiêng cữ theo phong tục để tránh sự hiểu nhầm của đồng bào.

Thiếu tá CAO MẠNH TUẤN (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Rvê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc)

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 giúp nhân dân xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) gặt lúa. Ảnh: Hồng Khanh Luyến.  

Cần có sự bám nắm, định hướng của chỉ huy

Xã hội luôn luôn vận động, phát triển và giữa những người tốt, mặt tốt thì cũng có người xấu, tệ nạn. Nếu không tỉnh táo, nhất là với cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn trẻ, kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết các tình huống, khó khăn trong cuộc sống còn thiếu thì rất dễ vi phạm pháp luật, kỷ luật, trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Đơn giản như việc cho mượn căn cước công dân để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký số điện thoại, cho mượn tài khoản ngân hàng cũng có thể vướng vòng lao lý. Để tránh những rắc rối không mong muốn này, trước hết, quân nhân cần hiểu rõ và chấp hành tốt pháp luật, kỷ luật; có lối sống lành mạnh.

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức và trực tiếp tham gia, bồi dưỡng về kỹ năng phát hiện, xử trí các tình huống, dự báo xu hướng có thể nảy sinh tâm lý bất thường, tư tưởng không yên tâm công tác, các biểu hiện hành vi dẫn đến vi phạm kỷ luật, mất an toàn ở đơn vị.

Đặc biệt, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã biên soạn 3 cuốn tài liệu: “Giới thiệu một số bệnh lý về tư tưởng, sức khỏe, tâm sinh lý, cách nhận biết trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở”, “Giáo dục kỹ năng sống cơ bản của quân nhân”, “Một số tình huống nảy sinh và cách xử lý trong công tác quản lý, huấn luyện bộ đội ở đơn vị cơ sở”.

Thông qua đó, đã giáo dục cho quân nhân hiểu biết, nâng cao kỹ năng sống, thích nghi với môi trường quân đội, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thông qua hệ thống tài liệu này đã giúp đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội kịp thời phát hiện các biểu hiện và xử trí tốt một số tình huống thường xảy ra tại đơn vị.

Đại úy TRƯƠNG VĂN DŨNG (Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4)

-----------

Nền tảng là chấp hành tốt pháp luật, kỷ luật

Môi trường quân đội về bản chất giống như một xã hội thu nhỏ với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể, tình đồng chí, đồng đội cao là điều kiện tốt để mỗi quân nhân phấn đấu, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, khi ra ngoài doanh trại, nếu không có bản lĩnh vững vàng hay có cách ứng xử tốt, phù hợp, quân nhân rất dễ vi phạm kỷ luật, pháp luật và làm ảnh hưởng tới hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Nhìn nhận về vấn đề này Trung úy Trần Văn Mười, Chính trị viên Đại đội 31, Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Không quân, chia sẻ: “Đóng quân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) nổi tiếng về du lịch, có nhiều địa điểm vui chơi, giải trí là một thách thức trong quản lý học viên khi ra ngoài doanh trại với chúng tôi. Nếu không có bản lĩnh, biết giữ mình và nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, học viên rất có thể sẽ vi phạm kỷ luật. Theo tôi, chấp hành tốt pháp luật, kỷ luật sẽ giúp quân nhân điều chỉnh được hành vi của mình, biết điểm dừng phù hợp”.

Trong khi đó, Đại úy Cao Văn Rạng, Đại đội trưởng Đại đội 14, Tiểu đoàn 1 (Trường Sĩ quan Không quân), cho rằng, đơn vị nào cán bộ gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử và quản lý, giáo dục, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật thì ở đó bộ đội tích cực rèn luyện, tự giác chấp hành quy định và ngược lại.

Cán bộ cũng phải thường xuyên gần gũi, tăng cường đối thoại, sâu sát, hòa đồng với cấp dưới; luôn lắng nghe ý kiến phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của các quân nhân; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tôn trọng, tạo điều kiện để bộ đội thực hiện quyền dân chủ của mình.

MAI VĂN ĐÔNG (Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân)