Ông Nguyễn Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, các cơ sở giáo dục đều mang đến nhiều nội dung và cơ hội mới trong công tác tuyển sinh mỗi kỳ hội chợ. “Sự quan tâm của thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đến hoạt động dạy nghề và thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động là sự quan tâm hết sức cần thiết, thiết thực, giúp cho các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ về đào tạo, tuyển sinh đáp ứng cho thị trường lao động”, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức cho rằng, việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần giải quyết vấn đề "thừa thầy, thiếu thợ" ở nhiều ngành khác nhau, trong đó có ngành y. Hiện nay trên cả nước, với nhu cầu của gần 5.000 bệnh viện công và tư nhân, hơn 4.000 doanh nghiệp về trang thiết bị y tế, có thể dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành y tế trong thời gian tới là rất cao. Theo dự tính khoảng 5 năm tới đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà sẽ tăng lên khoảng 38,1%. Dự kiến nhân lực ngành y tế Việt Nam cần bổ sung khoảng 55.000 bác sĩ, 10.000 dược sĩ, 83.000 điều dưỡng, 65.000 kỹ thuật viên y học.

leftcenterrightdel
Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức chia sẻ kinh nghiệm với lao động muốn đăng ký học nghề. 

Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh: "Với tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" hiện nay, việc học sinh, cha mẹ các em quan tâm tới các mã ngành khối sức khỏe và trang thiết bị y tế của trường là lựa chọn khá phù hợp với định hướng tương lai. Với sự định hướng rõ ràng như vậy nên Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức luôn đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để sinh viên kết nối với thị trường lao động. Sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được xem là một bước tiến quan trọng trong việc tạo mối quan hệ gắn bó giữa cung-cầu nhân lực, giữa nhà tuyển dụng và thị trường lao động, sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng trong phát triển hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp những cơ hội việc làm tốt cho học sinh-sinh viên trong tương lai".

Nghiên cứu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 200.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 51%; nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 49%. Bởi vậy, Trung tâm đã căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Bài và ảnh: HỒNG ANH