Song nếu khai thác quá mức, không cân đối, hài hòa, coi nhẹ hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh, điều này sẽ trở thành mối nguy hại khôn lường mà không giá trị nào có thể đo đếm được.

Lợi ích kinh tế ven biển

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại tỉnh Phú Yên, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam là quốc gia biển với hơn 1/3 dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh, thành phố ven biển, kinh tế biển đóng góp gần 50% tổng GDP... Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện. 

 Nhiều người dân vui chơi ở khu công viên ven biển trên đường Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa. 

Sau 4 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt, chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững, công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được chú trọng. Quy hoạch không gian biển quốc gia được định hướng phân vùng, sử dụng không gian biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, lợi ích giữa các bên liên quan, các thế hệ hôm nay và mai sau. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước. Hiện nay, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập; đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người, trong đó có nhiều doanh nghiệp "ăn nên làm ra" từ các khu kinh tế ven biển...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận khẳng định: “Hoạt động của các doanh nghiệp ở khu vực ven biển đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), trong đó chỉ riêng năm 2022, lĩnh vực du lịch đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh; lĩnh vực sản xuất tôm giống cung cấp hằng năm hơn 39 tỷ tôm post (giống), chiếm khoảng 30% sản lượng tôm giống cả nước; một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, muối, nước mắm, sản xuất tôm thương phẩm... đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, nông nghiệp, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và thu ngân sách địa phương”.

Với những giá trị KT-XH mang lại, không chỉ Ninh Thuận mà các địa phương ven biển miền Trung đều luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như nuôi trồng biển, phát triển lĩnh vực giống thủy sản chất lượng cao, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển, các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, cảng biển quốc tế, tài nguyên khoáng sản biển, năng lượng tái tạo ven biển... kết hợp việc phát triển kinh tế biển và giá trị của bờ biển với củng cố vững chắc khu vực phòng thủ là nội dung quan trọng trong phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn các tỉnh ven biển.

Thẩm định chặt chẽ các dự án ven biển

Quá trình làm việc chúng tôi nhận thấy, nhiều cấp ủy, địa phương ven biển miền Trung đều quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực ven biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và LLVT.

Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Đà Nẵng cho biết: “Đảng ủy, Bộ CHQS thành phố đã thường xuyên tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng, củng cố, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn nói chung, địa bàn biên giới biển nói riêng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn liền với quản lý, bảo vệ biển và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng, củng cố lực lượng dân quân biển vững mạnh, làm chỗ dựa cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển...”.

Song thực tế ghi nhận của chúng tôi, một số vấn đề liên quan đến chiến lược về bảo đảm quốc phòng, an ninh ven biển, đảo mang tính lâu dài ở một số địa phương vẫn còn bị coi nhẹ. Đơn cử như bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng với diện tích tự nhiên khoảng 4.439ha. Bán đảo Sơn Trà có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh, nhưng trong những năm qua vẫn có nhiều dự án du lịch được chính quyền sở tại cấp phép xây dựng. Ngày 18-10-2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác TTCP đã chỉ ra, trong 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận, có 9 dự án có một phần diện tích là rừng tự nhiên (163,32ha) nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng. 2 dự án UBND TP Đà Nẵng có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhưng chỉ có 1 dự án Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất, 1 dự án chưa có văn bản trả lời. Vậy nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Còn lại 16 dự án, UBND TP Đà Nẵng chưa có văn bản lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, sau đó cũng không tổ chức rà soát để xử lý vi phạm. Qua rà soát, báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, bước đầu xác định có 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng.

Còn ở Khánh Hòa, đảo Hòn Tre thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang không chỉ đóng vai trò tự nhiên là bức bình phong của vịnh Nha Trang mà nó còn có vị trí địa chiến lược quan trọng với quốc gia. Đây là một đảo tiền tiêu có diện tích lớn, có địa hình thuận lợi ngụy trang, lại án ngữ vị trí trung điểm giữa vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh, nằm kề cận tuyến đường hàng hải quốc tế, hướng ra huyện đảo Trường Sa. Bộ Quốc phòng xác định: “Đảo Hòn Tre là khu vực địa hình có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận quốc phòng và khu vực phòng thủ”. Phát triển đường tuần tra quanh đảo không chỉ giúp đạt được sự chủ động hơn trên một diện tích lãnh thổ lớn mà còn cho phép triển khai một thế trận phòng thủ quy mô, vững mạnh khi cần thiết. Đầu tư vào tuyến hạ tầng này thể hiện thông điệp phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đặc biệt là với Khánh Hòa, tỉnh đảm trách vai trò hậu phương trực tiếp cho huyện đảo Trường Sa, địa đầu Tổ quốc. Song, trong những năm qua, nhiều dự án du lịch vẫn được cấp phép xây dựng đã “băm nát” hòn đảo này.

Đại tá Nguyễn Sơn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận cho rằng, quá trình xây dựng các dự án phát triển KT-XH ven biển, các sở, ban, ngành địa phương phải phối hợp với Bộ CHQS tỉnh thẩm định chặt chẽ những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là các dự án liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Đảng và Nhà nước cần quan tâm xây dựng quy hoạch và bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống công trình chiến đấu tuyến biển, các trận địa phòng không; các công trình bảo vệ mục tiêu trọng yếu trên tuyến biển; chú trọng cải tạo, nâng cấp kết hợp làm mới hệ thống đường bộ tuyến biển và các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh hướng ra biển, phục vụ phát triển KT-XH trong thời bình, đồng thời bảo đảm cho các lực lượng phương tiện cơ động tác chiến khi có chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, phải xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên của các địa phương ven biển, các đồn biên phòng vững mạnh, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng cao, kết hợp với các lực lượng tạo thành một khối vững chắc trong hệ thống phòng thủ ven biển.

(còn nữa)   

Nhóm phóng viên miền Trung - Tây Nguyên