Do đó, việc trả lại không gian ven biển liên tục được các địa phương đề cập trong thời gian qua và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Song giải quyết việc này như thế nào để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với doanh nghiệp và người dân địa phương vẫn là một bài toán nan giải.
Môi trường ven biển bị đe dọa
Sau cơn mưa chiều, đi dọc bờ kè ven biển thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải), một số đoạn ven biển của phường Đông Hải (TP Phan Rang-Tháp Chàm), một số điểm trên địa bàn xã Phước Dinh, Cà Ná và dọc bờ kè ven biển xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam) thuộc tỉnh Ninh Thuận, rất nhiều loại rác thải tấp đầy bờ... Nguồn rác thải là từ các hộ dân, tàu, thuyền; từ hoạt động kinh doanh, các chợ dọc bờ kè đổ ra khu vực ven biển và cả từ ngoài biển trôi dạt vào, chủ yếu là bao bì thực phẩm, túi ni lông, thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng, vật dụng sinh hoạt...
Theo đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, hơn một năm qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có gần 10 văn bản chỉ đạo xử lý rác thải tại các khu vực ven biển nêu trên. Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại khu vực này cơ bản được khắc phục.
 |
Không gian ven biển đường Yên Ninh (TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) bị một số khách sạn, nhà hàng án ngữ. Ảnh: TRUNG NHÂN |
Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xử lý ô nhiễm môi trường và tồn đọng rác thải tại khu vực ven biển; hỗ trợ các địa phương trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển kiểm tra xử lý các điểm đen môi trường, công tác thu gom và xử lý triệt để khu vực thường xuyên tồn đọng rác thải tại các địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kiến nghị của các địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường khu vực ven biển.
Chúng tôi cho rằng, muốn giảm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ngoài các giải pháp khắc phục về thu gom rác thải, nâng cao nhận thức của người dân thì một việc rất quan trọng mang tính lâu dài, đó là di dời các công trình chắn bờ biển, các hoạt động ven bờ tác động đến hệ sinh thái ven biển, tạo không gian xanh, không gian công cộng ven biển.
“Trả” và “đền” có tương xứng?
Thực tế, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thu hồi nếu đã cấp vì lý do bờ biển cần thông thoáng. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, theo thông tin do đồng chí Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cung cấp với Báo Quân đội nhân dân, từ năm 2015, UBND thành phố đã dừng không triển khai thực hiện các dự án ven biển, đồng thời thực hiện các quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý không gian ven biển, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch đối với dự án có sử dụng bãi cát ven biển, lối xuống biển...
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 5-7-2018 theo hướng thu hồi một phần phía Bắc của dự án The Song khai thông lối xuống biển tại khu vực cuối đường Minh Mạng để người dân thuận lợi ra biển. Lối xuống biển rộng 10m, dài 271m, diện tích 2.716m2; tổng mức đầu tư 4,1 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa; đến ngày 29-3-2019 đã đưa vào sử dụng.
 |
Nhiều nhà hàng, khách sạn “chắn biển” trên đường Võ Nguyên Giáp (TP Đà Nẵng). Ảnh: DUY HIỂN |
Còn phía Nam dự án Future Property Invest, UBND TP Đà Nẵng đã đàm phán, thuyết phục chủ đầu tư dự án The Nam Khang và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 2-4-2019: Lối xuống biển có bề rộng 20,5m, theo đó thu hồi về phía dự án The Nam Khang Resort Residences 16,5m, phía dự án Future Property Invest 4m, trồng cây xanh, bố trí thiết bị phục vụ thể dục, vui chơi, nghỉ ngơi; mở vịnh dừng xe (khu vực được mở rộng), bố trí bãi xe đạp, xe máy, cắm biển báo giao thông và sơn kẻ vạch qua đường.
Tổng diện tích 10.397m2, lối rộng 20,5m, dài 507m, tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố. Công trình khởi công tháng 4-2020, hoàn thành tháng 8-2020 và đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Các doanh nghiệp nói trên ở Đà Nẵng chỉ là số ít trong các doanh nghiệp án ngữ mặt biển đã được vận động khai thông lối xuống biển, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh đó, không ít công trình bỏ hoang, chậm tiến độ; nhiều khách sạn, nhà hàng chắn biển vẫn hoạt động bình thường, các giải pháp khắc phục vẫn chưa triệt để.
Còn tại tỉnh Bình Định, từ năm 2019, đã có thông báo của UBND tỉnh về việc sẽ dời 2 khách sạn ven biển phía Đông đường An Dương Vương (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) là khách sạn Hải Âu và khách sạn Hoàng Yến để lấy đất xây dựng công viên phục vụ cộng đồng. Đến nay, 2 khách sạn trên vẫn đang hoạt động, chưa thể di dời do vướng mắc trong quy định hiện hành của pháp luật về đất đai.
Chúng tôi đặt vấn đề về quan điểm của doanh nghiệp như thế nào khi các hoạt động kinh doanh ven biển đang cản trở nhu cầu hưởng thụ của người dân thì nhận được sự từ chối chia sẻ từ các doanh nghiệp. Bởi vì có những doanh nghiệp thậm chí án ngữ cùng lúc nhiều không gian ven biển với vị trí đắc địa như ở đường Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang), khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm) của tỉnh Khánh Hòa; ven biển đường Yên Ninh, phường Mỹ Bình, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận...
Trao đổi với anh N.V.D, doanh nghiệp ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, anh chia sẻ: “Nếu không giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên thì sẽ khó tìm được tiếng nói chung. Bởi doanh nghiệp chúng tôi sử dụng đất ven biển và mở rộng để kinh doanh đã hơn 20 năm từ mồ hôi, công sức, tiền của của mình, đều được các cơ quan nhà nước cấp giấy phép, chuyển giao quyền sử dụng đất, đóng thuế đầy đủ, hợp lệ.
Đến nay, vì chủ trương chung, muốn chúng tôi trả lại cũng phải có sự đền bù tương xứng thì mới có cơ hội để chuyển đổi sang nơi khác phù hợp...”. Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, có doanh nghiệp đã sử dụng cả nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, căn hộ cho thuê ven biển, nay nói quy hoạch, thu hồi thì lấy cơ sở nào, tiền ở đâu để đền bù cho doanh nghiệp, đây là bài toán khó có thể tạo được sự đồng thuận trong thời gian ngắn...
Chia sẻ về vấn đề này, một số lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ băn khoăn, vướng mắc cùng với doanh nghiệp. Thực tế nhiều năm về trước, muốn thu hút đầu tư, phải tìm những nơi thuận lợi mới có thể kéo doanh nghiệp đến với địa phương, thậm chí có những nơi rất hoang sơ, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp mới phát triển như ngày nay. Hiện tại, vướng vào nhiều vấn đề liên quan đến luật, quy hoạch đô thị, nhu cầu thụ hưởng của người dân nên càng khó gỡ. Điều đó cho thấy thực trạng công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều yếu kém là có cơ sở...
Vì vậy, những tồn tại này về lâu về dài cần phải từng bước tháo gỡ. Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Điều quan trọng là phải quản lý được quy hoạch và có một quy hoạch thực sự phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Đồng thời cũng tránh đi những trường hợp cho thuê, cho mượn để dẫn đến việc khó lấy lại”.
Một trong những quan điểm của Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên... Bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
|
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN