Tăng cường phân cấp, ủy quyền

Ngày 12-9, tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TP, trên cơ sở trình của UBND TP, HĐND TP Hà Nội đã phê chuẩn Đề án của thành phố về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, thành phố đã phân cấp 10 lĩnh vực quản lý nhà nước cho các quận, huyện và ủy quyền một số nhiệm vụ của thành phố thực hiện xuống cho các quận, huyện có đủ điều kiện về con người, nguồn lực, bộ máy.

HĐND TP cũng đã phê chuẩn việc thành phố ủy quyền 638 thủ tục hành chính (TTHC) cho cấp quận, huyện. Như vậy, đến nay, thành phố đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp thành phố và cấp huyện (Thủ tướng Chính phủ giao 20%).

leftcenterrightdel
Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là nỗ lực rất lớn của thành phố Hà Nội trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

Trước khi có Đề án này, HĐND TP đã ban hành 2 Nghị quyết và UBND TP ban hành 8 quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội. Theo đó, TP đã thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND TP và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND TP. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính (CCHC), khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của cơ sở.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đây là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của thành phố hiện nay, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của thành phố, đặc biệt là tại cấp Sở, ngành và quận, huyện, thị xã.

Người đứng đầu thành phố chỉ rõ phân cấp, ủy quyền cần gắn chặt với cải cách TTHC, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Khi thành phố đã phân cấp cho đơn vị cấp dưới thực hiện một nhiệm vụ nào đó thì về nguyên tắc, cấp thành phố sẽ không được can thiệp hoặc tham gia vào bước nào trong quy trình xử lý công việc của đơn vị cấp dưới. Cấp thành phố chỉ tập trung ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của đơn vị cấp dưới (nếu có) trong quá trình thực hiện nội dung được phân cấp…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phân cấp, ủy quyền là nhiệm vụ khó, phức tạp và những nội dung phân cấp, ủy quyền theo Đề án vừa mới là kết quả bước đầu nên cần phải rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền thường xuyên và liên tục.

Ngay khi Đề án này được thông qua, lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện ở Hà Nội đều đánh giá cao và kỳ vọng Đề án sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; tạo hành lang pháp lý thông thoáng và điều kiện thuận lợi để khuyến khích đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thời gian qua, với tinh thần cầu thị, lãnh đạo thành phố đã thường xuyên có các cuộc đối thoại gặp gỡ, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ đó, trong nhiều năm liên tục TP Hà Nội giữ vị trí trong Top 10 bảng xếp hạng PCI, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Cùng với việc duy trì thứ hạng, Hà Nội cũng nỗ lực tăng điểm ở các chỉ số thành phần, điều này  cho thấy tinh thần, quyết tâm và sự kiên trì của Hà Nội trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Ra mắt “Mô hình một cửa đô thị hiện đại” tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Trong năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND (ngày 22-8) về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022. Theo đó, để phấn đấu Chỉ số PCI của TP Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng cao so với cả nước, người đứng đầu TP đã thẳng thắn chỉ rõ các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và chỉ số rơi vào nhóm có xếp hạng rất thấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành tìm giải pháp khắc phục.

Trong đó có những chỉ số tuy đã tăng bậc so với năm trước nhưng vẫn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp như với chỉ số "chi phí không chính thức", Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, quận huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này bằng các phương án như CCHC, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực. Đồng thời tăng kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà tạo gánh nặng cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp…

Hay với chỉ số "tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất", dù tăng 6 bậc so với năm trước nhưng vẫn còn ở nhóm xếp hạng rất thấp. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phải tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường; đồng thời không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm các TTHC về đất đai…

Đáp ứng yêu cầu của xu hướng số

Để “nâng tầm” cho giải quyết TTHC, việc triển khai tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư đang được thành phố đẩy mạnh theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ.

Là địa phương được tin tưởng lựa chọn thực hiện điểm, làm mẫu, Hà Nội luôn đặt ra mục tiêu là mỗi người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích của Đề án 06 - lấy thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Công dân quét mã QR xem thủ tục hành chính và có thể đăng ký trên điện thoại. 

Đến nay, những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đã được UBND TP triển khai cơ bản đúng tiến độ. TP đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%); hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu nhận được hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử... Toàn Thành phố đã có gần 5 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) để đi khám chữa bệnh. Có 3 ngân hàng lớn trên địa bàn Thành phố đã thí điểm thành công việc sử dụng CCCD để rút tiền thay thế thẻ ATM...

Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đang triển khai tốt và không chỉ bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu của gần chục triệu dữ liệu dân cư mà còn kết nối các dịch vụ công khác như về bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đồng thời làm sạch dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đối với công dân có yếu tố nước ngoài. Đây là những cơ sở quan trọng để Hà Nội bước thêm một bước tiến mới trong tiến trình CCHC.

Với quyết tâm chuyển đổi số, CCHC trong những năm tới, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về "Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp nhằm góp phần tạo lập thương hiệu bộ phận một cửa hiện đại đồng bộ trên toàn thành phố; hình thành môi trường làm việc thống nhất, văn minh.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm cho biết: “Quận cũng đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phục vụ người dân tại Bộ phận Một cửa; thống nhất thiết kế bản sắc, thương hiệu cho Bộ phận Một cửa và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của quận và UBND các phường; đồng thời triển khai tổ chức thí điểm tại Bộ phận Một cửa phường Trung Văn vào ngày 6-10”.

leftcenterrightdel
Quận Nam Từ Liêm trang bị cho Bộ phận Một cửa nhiều trang thiết bị hiện đại. 

Với “Mô hình một cửa đô thị hiện đại” này, phường Trung Văn có thể triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân thông qua phương thức “đánh giá kép” độc lập bằng thiết bị CNTT bố trí tại từng quầy giao dịch, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; thông qua giải pháp công nghệ “định danh, đánh giá mức độ hài lòng bằng khuôn mặt”, công nghệ AI tự động sẽ nhận diện khuôn mặt, trạng thái của cá nhân để đánh giá mức độ hài lòng khi người dân ra về. Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân được lưu giữ tại hệ thống máy chủ để so sánh, đối chiếu, làm căn cứ đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức và của đơn vị.

“Việc tích hợp, lưu giữ dữ liệu của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch nhằm tạo điều kiện cho người dân không phải kê khai lại thông tin, giấy tờ, tài liệu, cắt giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng của công dân thông qua hệ thống máy quét đặt tại bộ phận một cửa. Người dân chỉ cần quét CCCD, đăng ký giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa để lưu giữ thông tin và phục vụ cho những lần liên hệ công tác tiếp theo”, bà Hoài Thu thông tin.

(Còn nữa)

GIA LINH – HOÀNG LAN