Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong vệt bài “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, của Báo Quân đội nhân dân điện tử.

Bài 1: Thế giới ảo “nhấn chìm” giấc mơ trẻ

Trẻ em yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ. Tuy nhiên, các mạng xã hội hiện nay tràn ngập hình ảnh, clip có nội dung không lành mạnh, với hàng triệu lượt người xem, trong đó có trẻ em. Thực tế, không ít em học và làm theo những clip này. Do đó, trẻ có nguy cơ bị xâm hại ngay cả khi đang ngồi trong nhà.  

Bạo lực và ảo tưởng xâm phạm tâm hồn

19 tuổi, đáng lẽ giờ này cậu học trò giỏi của ngôi trường thuộc tốp đầu tỉnh Nghệ An có thể đang học ở một trường đại học có tiếng nào đó, nếu Nguyễn Văn Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi) không rơi vào “thế giới ảo” mang tên Game online cách đây 3 năm.

Nghiện game online dễ dẫn đến trầm cảm. Ảnh: vietnamnet

Là con út trong một gia đình bố mẹ làm nông, 3 chị gái Hoàng đều đi lấy chồng sớm, chỉ có mình Hoàng được ăn học “tới nơi tới chốn”. 9 năm là học sinh giỏi, bước chân vào ngôi trường danh tiếng - Trường THPT Hà Huy Tập – Hoàng mang theo bao kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng chỉ sau 1 học kỳ, cuộc sống cách xa nhà hơn 60km, thiếu vắng bàn tay trông nom, chăm sóc của gia đình, bị bạn bè xấu lôi kéo, Hoàng sa vào những trò chơi trên trên mạng. Đến khi nhà trường và gia đình phát hiện vấn đề thì đã quá muộn. Hoàng bỏ học, bỏ nhà “đi dạt” gần 4 tháng trời.

Nhìn Hoàng thông minh, hiền lành, ít ai nghĩ cậu bé đang trong quá trình cai nghiện game tại Trường Phổ thông nội trú IVS, Thanh Oai, Hà Nội đã từng rất hung hãn khi sẵn sàng lao vào đánh nhau với bất cứ ai bởi “khi cay cú vì game, trong lòng mình khó chịu, muốn đánh người”.

Khác với Hoàng, Huy Lâm (quê Thái Bình) bước chân vào thế giới ảo ấy để "xả" hết những tổn thương tâm hồn. Sống với bà ngoại từ nhỏ sau khi mẹ đi bước nữa, Lâm tìm thấy niềm vui từ những trò chơi trên mạng. Ở đó Lâm là một “người hùng” giỏi giang với rất nhiều “chiến hữu”, được tung hô, khen ngợi. Điều mà Lâm không có ở đời sống thật.

Mới đầu là để cho khuây khỏa, rồi sa dần, nghiện dần, Lâm chơi thâu đêm suốt sáng. Để có tiền chơi, Lâm xin bà. Sau thì Lâm theo bạn game bỏ học, đi trộm cắp. Cuộc đời Lâm trượt dài từ đó!

Câu chuyện buồn khác cũng từ môi trường ảo là trường hợp nam sinh Đ.N.H lớp 11 (ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) do bắt chước nội dung giải cứu trong game, khiến một cháu bé 5 tuổi chết oan uổng, khiến nhiều người giật mình về sức ảnh hưởng của môi trường ảo đến giới trẻ hiện nay.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi môi trường ảo trong game online, các em còn là nạn nhân của mạng xã hội khi các em kết nối, quen biết nhau, rồi rủ nhau bỏ nhà sống tập thể; tình trạng một số tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải các hình ảnh bạo lực học đường, lột đồ làm nhục nạn nhân. Kinh hãi hơn khi trên mạng xã hội xuất hiện những nhóm có cùng thú vui “kỳ quái” như hành hạ con vật, chia sẻ cách tự tử... Các em tiếp nhận những sự việc đó một cách thản nhiên, đồng thời chia sẻ thông tin với tốc độ “chóng mặt”, như một trò tiêu khiển.

Nguồn: Cảnh sát nhân dân

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, các loại hình tội phạm trước đây đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng Internet để làm quen và xâm hại trẻ em…

Việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn trong những năm gần đây ngày càng tăng nhanh chóng. Bọn tội phạm thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng Internet, tổ chức các buổi gặp gỡ thành viên tại nhà riêng, quán game… để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp hoặc ép buộc trẻ để thực hiện hành vi xâm hại.

Đã từng có trường hợp tội phạm ấu dâm Anh trốn sang nước ngoài để phạm tội, trong đó có Việt Nam, như Christohper Trinnaman (người Anh) bị bắt và xử án tù vào năm 2011 vì lên mạng giả danh làm một thiếu niên nam, dụ dỗ hai nữ sinh trung học 13 và 14 tuổi gửi hình khỏa thân cho mình. Hắn còn tìm cách dụ dỗ một nữ sinh đến khách sạn. Hay cựu ngôi sao nhạc pop Gary Glitter, 74 tuổi, từng tới Việt Nam và lạm dụng các em bé ở độ tuổi 10 và 11 vì tàng trữ gần 4.000 ảnh khiêu dâm và xâm hại trẻ em.

Trẻ dễ tiếp nhận mọi thứ trên mạng

Môi trường mạng là môi trường mở đa chiều, với quá nhiều nguồn thông tin, nhiều luồng văn hoá từ các nước khác, từ các nhóm khác, từ các hội nhóm khác, do đó nếu không có kỹ năng lọc, trẻ tất yếu sẽ bị “ngộ độc” thông tin. Trong khi đó, gia đình Việt Nam là gia đình truyền thống, theo mối quan hệ bố mẹ nói con phải nghe, trong đó dạy trẻ ai cho cái gì cũng phải dạ vâng và cảm ơn. Nhưng không dạy con cách từ chối. Như vậy khi đứa trẻ lớn lên, chúng dễ tiếp nhận mọi thứ, từ cái xấu đến cái tốt. 

Mặt khác, sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái trong nhiều gia đình đang dần mất đi sự kết nối. Có rất nhiều phụ huynh sau một ngày làm mệt mỏi, không có thời gian tìm tòi và định hướng cho con những kỹ năng sống, cũng như đồng hành để chia những vướng mắc mà con đang gặp phải.

Nguồn: Cảnh sát nhân dân.

Với nhiều năm kinh nghiệm giáo dục những học sinh là đối tượng “nghiện” game online, ông Trịnh Phú Sơn, giáo viên Trường Phổ thông nội trú IVS, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Khoảng 40% học sinh đến với trường đều nghiện game và 80% biết đến game online. Khi bước chân vào trường, những đối tượng này rất ngoan bởi các em gần như đã dần tự kỷ. Những đứa trẻ này đã mất đi cảm giác tiếp xúc với con người và gần như không muốn tiếp xúc, bởi hàng ngày các em chỉ ăn và tiếp xúc với bàn phím nên dần các em tin tưởng vào môi trường đó, cảm thấy an toàn với môi trường mạng. Nhiều em đã “đốt” cuộc đời mình 15 tiếng/ngày trên mạng, chỉ duy trì cuộc sống bằng bánh mỳ, mỳ tôm, hút thuốc.

“Có bạn chơi game đột kích, khi nói đến các chủ đề, các em tỉnh bơ như người không cảm xúc, nhưng khi nhắc đến game, các em bừng tỉnh, mắt sáng rực lên, suýt xoa”, ông  Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, nghiện game mới chỉ là bước ban đầu, để rồi dần biến đổi, phát sinh thành những tệ nạn khác không thể lường trước được. Đa phần các trò chơi online như game liên minh hay PUBG là cái game mà nó mang tính bạo lực, hàng ngày trẻ tiếp xúc với hình ảnh bạo lực thì đầu óc sẽ bị những hình ảnh đó in hằn vào đầu, trẻ trở nên cục tính hơn, ít nói hơn, lúc nào cũng thu gọn mình vào thế giới ảo trong game.

Giới trẻ với một bản tính sôi nổi và thường những gì không chính thống lại học và ghi nhớ rất nhanh. Có những trào lưu trên mạng không kiểm soát được nội dung, như hiện tượng giới trẻ thần tượng Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng. Các em bắt chước rất nhanh nhiều câu nói của những nhân vật này. Đầu tiên chỉ là để vui nhưng vô hình chung từ những hành động lặp lại đó, lâu dần ngấm thành thói quen, và sinh ra tính cách. Nhất là khi bản lĩnh của các em chưa được xác định rõ ràng, dễ dẫn đến sai đường, ông Sơn chia sẻ thêm.

Những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài

Theo kết quả tại một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) năm 2018, có 92,5 % sinh viên và 84,5% học sinh cấp THCS, THPT thường xuyên sử dụng mạng xã hội (MXH) Facebook; ngoài ra còn sử dụng thêm một số ứng dụng MXH khác như Zalo, Yahoo, Youtube, Zingme…

26% học sinh, sinh viên sử dụng dưới 1 giờ/1 ngày để truy cập Internet, MXH; 40% HSSV sử dụng từ 1 giờ đến 3 giờ/1 ngày và 34% học sinh, sinh viên sử dụng trên 3 giờ/1 ngày. Về  thời điểm truy cập Internet, MXH, có 45% học sinh, sinh viên cho biết truy cập MXH  Facebook bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay (điện thoại, laptop), 12% em trả lời là truy cập MXH Facebook bất cứ lúc nào nhận được thông báo mới.

Từ con số trên, có thể nhận thấy bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà Internet, MXH mang tới, còn có không ít những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đời sống, học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên. Trên môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như hình ảnh trẻ em bị xâm hại, bóc lột được ghi, được quay, được chụp và phát tán, tiếp xúc với nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm, tiếp xúc với nội dung xúi giục, tự tử và hành vi tiêu cực khác, gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập…

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Lạm dụng việc sử dụng MXH có ảnh hưởng lớn đến tâm lý người sử dụng. Trước mắt sẽ khiến các em mất tập trung trong học tập, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập. Những trường hợp “nghiện” Internet, MXH ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm, hình thành lối sống ảo, tự kỷ. Không ít trẻ em đã bị quấy rối trên môi trường mạng. Nhiều trường hợp các em chỉ vì thiếu văn hóa ứng xử trên MXH dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường. Một số em sa đà vào các trang web đen, tệ nạn mại dâm, đánh bạc thông qua môi trường mạng.

Chia sẻ những đau xót khi đọc những thông tin, số liệu mang tính cảnh báo nghiêm trọng năm 2019, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%; TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong nhiều địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trên cả nước. Hà Nội là địa phương có số trẻ em xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất 12 em, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số trẻ em mang thai do xâm hại tình dục là 86 em.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng chỉ rõ các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như:  Xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.

Nhiều chuyên gia dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại, tác động tiêu cực do môi trường mạng trong thời gian tới sẽ còn tăng, tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN