Công nghệ - mấu chốt kiểm soát thông tin mạng

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề toàn cầu nên Chính phủ các quốc gia không thể đơn lẻ giải quyết vấn đề này mà cần bàn đến phương án phối hợp hành động.

Để đối phó với các nguy cơ của trẻ em trên không gian mạng, Ủy ban châu Âu trong thời gian qua đã thực hiện các nội dung về chính sách, chương trình, chiến dịch, mạng lưới. Một số biện pháp về mặt chính sách bao gồm: Bảo vệ trẻ vị thành niên trực tuyến, như Chỉ thị thương mại điện tử, Quy định bảo vệ dữ liệu chung, Chỉ thị về chống lạm dụng tình dục và khai thác tình dục trẻ em và khiêu dâm trẻ em và Chỉ thị Dịch vụ truyền thông nghe nhìn đang trong quá trình sửa đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hoa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải lấy ý kiến của trẻ em để tìm ra cách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phải để trẻ em phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng, trẻ em cần giúp đỡ".

Ngoài ra, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em, bà Hoàng Thi Hoa đề cập đến việc không mô tả, tường thuật chi tiết những vụ xâm hại trẻ em cũng như việc xử lý những video, clip, thông tin đã bị phát tán trên mạng để tránh những tổn thương đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng như tránh để mạng xã hội lan tràn những vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em.

Xác định việc trẻ em gặp nguy cơ trên môi trường mạng là tác động của cuộc cách mạng công nghệ, ông Hoàng Minh Tiến, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin mạng cho rằng, vấn đề này phải được giải quyết bằng những giải pháp công nghệ. Dù công nghệ không giải quyết hết được vấn đề, nhưng cần sử dụng công nghệ sẽ giải quyết được những vấn đề mấu chốt liên quan đến những thông tin trên mạng.

Ông Hoàng Minh Tiến cho rằng việc xây dựng "Bộ kỹ năng số", với các thông tin trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại.

Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin mạng mong muốn là việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được cụ thể hóa như trên môi trường thực, thậm chí còn cần nhiều yếu tố bảo vệ hơn bởi trên mạng không có giới hạn phạm vi khoảng cách địa lý, vai vế… Song song với việc trang bị kỹ năng cho trẻ, trách nhiệm của những doanh nghiệp công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái dành cho trẻ em lành mạnh, hấp dẫn thu hút trẻ em, để trẻ em tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng.

Học sinh cần sự hỗ trợ để tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức... Việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thêm vào đó, bảo đảm để trẻ em được hoạt động và tương tác tích cực, lành mạnh trên môi trường mạng một cách an toàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng đây không phải chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành cụ thể nào mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Do vậy, cần phải xây dựng, phát triển thí điểm “hệ sinh thái” thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp vào cuộc, tham gia cùng xây dựng nội dung lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng. Mặt khác, cha mẹ hãy đi bên cạnh con và chỉ can thiệp khi con gặp nguy hiểm. Để con tự đi, tự trải nghiệm và trưởng thành.

“Quy định về pháp luật của chúng ta đã có trong Luật Trẻ em. Và ngay tại Luật An ninh mạng vừa mới được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 6 vừa qua, Điều 29 đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Gần đây nhất, Cục Trẻ em phối hợp Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), Facebook tại Việt Nam tổ chức một sự kiện truyền thông để giáo dục cho trẻ em và thế hệ trẻ có những kỹ năng an toàn, bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Chương trình đã đưa ra một khẩu hiệu rất hay: “Think before you share”, với hàm ý hãy suy nghĩ trước chia sẻ. Thông điệp đó có thể mở rộng tới các bạn trẻ, rằng hãy suy nghĩ trước khi bạn like, hoặc làm một động tác gì trên môi trường mạng. Đó là một thông điệp mà chúng tôi nghĩ rằng, chính kỹ năng sẽ lan tỏa trong chính môi trường mạng và trong cuộc sống thực.

Để hình thành, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới bảo vệ trẻ em, với vai trò nhà trường, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Hiện nay, các trường đã tăng cường tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn các kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hữu ích, nhận biết, sàng lọc và một số biện pháp tự bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt.

Nguồn: Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em.

Các chủ trương đó đã được cụ thể hóa nội dung chương trình học, cụ thể như: Trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng đã đưa kiến thức tin học vào dạy cho học sinh phổ thông và Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, Tin học là môn học bắt buộc với tất cả học sinh từ lớp 3 trở lên. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục khai thác sử dụng Internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số.

“Qua các nội dung giáo dục, việc nhận thức và tự bảo vệ mình trên môi trường không gian mạng đã được cụ thể hóa hơn. Các em sẽ biết phân tích ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể; phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo…”, ông Nguyễn Xuân An Việt chia sẻ.

Đồng thời với việc thay đổi, bổ sung nội dung trong chương trình học, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn cách sử dụng, khai thác thông tin trên Internet cho thanh thiếu niên trong trường học phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh, thiết thực.

Hiện các sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với tỉnh, thành Đoàn tổ chức thực hiện một số hoạt động giáo dục hiệu quả cho HSSV thông qua môi trường mạng. Các hoạt động hướng dẫn, giáo dục HSSV được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, hội; thực hiện thông qua ‘‘Tuần Sinh hoạt công dân – Học sinh sinh viên”, sinh hoạt dưới cờ và các tài liệu, bài viết trên website của nhà trường...

Không gian mạng đem tới thế giới phẳng, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ em được tiếp cận thông tin, học hỏi. Tạo không gian mạng an toàn cho trẻ em ngay từ sớm chính là tạo liều “vaccine” cho tương lai của đất nước. Việc tạo liều “vaccine” này đòi hỏi sự chung tay của nhiều ban, ngành để hình thành, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới bảo vệ trẻ em.

Để đạt được những kết quả trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần được chú trọng và thực hiện đồng thời trên mọi mặt của đời sống. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cần được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ... qua đó góp phần hạn chế những tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ em phải gánh chịu.

NHÓM PHÓNG VIÊN