Thế giới số bùng nổ và những mặt trái

Mặc dù năm 1969, Internet mới bắt đầu xuất hiện và được phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, nó đã có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc, thay đổi hoàn toàn thế giới, ảnh hưởng sâu rộng tới hầu hết mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2019, có 64 triệu người sử dụng Internet trên tổng dân số xấp xỉ 97 triệu dân. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ mạng xã hội. Nguồn: Cảnh sát nhân dân

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64 triệu người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.

Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, 66,1% trẻ em tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thiết bị có kết nối Internet, trong đó có 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 đến 3 tiếng trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 706.000 vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.

Số liệu từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã nhận được hơn 4 triệu cuộc gọi đến và số cuộc gọi tăng đều hằng năm. Riêng 5 tháng năm 2020, đã có đến hơn 230.000 cuộc gọi đến Tổng đài để được tư vấn, hỗ trợ, can thiệp.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà. Còn theo thống kê của UNICEF và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập Internet hằng ngày. Bình quân cứ 3 người truy cập Internet, có 1 trẻ em.

Thống kê về các cuộc gọi đến tổng đài 111 liên quan đến xâm hại, bạo lực.

Những con số trên là minh chứng cho thấy sự bùng nổ của thế giới số trong cuộc sống của con người nói chung cũng như đối với trẻ em nói riêng. Internet đã thay đổi cuộc sống theo vô số cách thức khác nhau. Hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính Internet cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội.

Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên Internet. Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.

Nói như Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Hưng thì “đây là thế hệ đón nhận nhanh nhất và đồng thời, chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và Internet, đặc biệt khi công nghệ, Internet đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ cha anh. Những công dân số này đang đứng trước nhiều thách thức khi hoàn toàn có thể bị “nhiễm độc” online bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, Internet là một không gian mở hoàn toàn, ở đó không chỉ tồn tại những điều tích cực mà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hại.

Khoảng cách thế hệ

Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến về cách đồng hành với con trên môi trường mạng do MSD tổ chức mới đây, ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia về lĩnh vực an toàn thông tin thừa nhận: “Có một thực tế rõ ràng là hiện nay cha mẹ và con cái đang có một khoảng cách rất lớn về thế hệ trong việc tiếp cận với Internet. Các bậc phụ huynh đa phần được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Internet chưa bùng nổ. Là người trang bị các tiện ích cho con như điện thoại, máy tính để tiếp xúc với môi trường mạng nhưng cha mẹ lại không hiểu đầy đủ tính năng, cách vận hành những thiết bị này. Các hiểu biết cũng như cách tiếp cận Internet có nhiều điểm khác biệt so với con trẻ hiện nay. Chính hố sâu khoảng cách này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ thích kiểm soát con trên Internet với việc giới hạn số giờ con dùng Internet hay kiểm soát nội dung con tìm kiếm trên Internet thay vì tìm cách đồng hành cùng con trên môi trường mới này. Và việc kiểm soát quá chặt của cha mẹ đôi khi lại gây ra những phản ứng ngược”.

Học sinh tìm lại cuộc sống bình thường tại Trường Phổ thông nội trú IVS.

Em P. từng là một học sinh nghiện game hiện đang học tập tại Trường Phổ thông nội trú IVS, Hà Nội chia sẻ, vì gia đình làm nghề kinh doanh nên bố mẹ em rất bận rộn với công việc, hầu như không có thời gian dành cho con. Những bữa cơm tối chỉ có độc một mình với căn nhà đầy đủ tiện nghi đã khiến cô gái đang ở tuổi mới lớn luôn phải sống trong tâm trạng cô độc. Được bạn bè rủ rê, P. chìm dần trong game. “Những lần đầu trốn học chơi game em cũng sợ bị thầy cô giáo gọi điện về báo với bố mẹ, nhưng sự hấp dẫn của game, cảm giác được chiến thắng trong game cùng sự chia sẻ của những người bạn chơi game cùng khiến em không còn tỉnh táo để suy nghĩ”, P. chia sẻ.

Rõ ràng, chính hố sâu khoảng cách về tư tưởng, cách tiếp cận với Internet đã khiến nhiều cha mẹ hoặc không có đủ thời gian để quan tâm đến con hoặc không có đủ kiến thức, kỹ năng để đồng hành cùng con trên Internet. Theo Báo cáo Tiếng nói trẻ em vừa được công bố mới đây, có tới 60% trẻ em được khảo sát tự học kiến thức về an toàn mạng. Cha mẹ không biết hết công cụ tính năng về an toàn trên mạng xã hội, mà chủ yếu tập trung vào kiểm soát thời gian con sử dụng Internet.

Trường Phổ thông nội trú IVS tổ chức nhiều hoạt động thể chất, giúp học sinh thoát khỏi nghiện game.

Trao đổi về vấn đề trẻ em với môi trường mạng, thầy Nguyễn Văn Hiệp, giảng dạy tại Trường Phổ thông nội trú IVS, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đào tạo những trẻ em bị nghiện game, nghiện Internet trở lại với cuộc sống bình thường thẳng thắn bày tỏ: Theo số liệu thống kê về hoàn cảnh của các em học sinh vào học tại trường, thì có đến 80% trẻ bị nghiện game do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình như: Bố mẹ ly hôn khiến các em bị tổn thương về tâm lý; gia đình không dành sự quan tâm đúng mức cho con; hay trẻ được sống trong một môi trường quá đầy đủ, dẫn đến dễ bị cám dỗ…

Theo thầy Nguyễn Văn Hiệp, gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới trẻ trên mọi phương diện, vì thế, những khoảng cách về thế hệ hay sự thiếu thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị sa ngã trên môi trường mạng.

Khi thế giới số ngày một phát triển mạnh mẽ, trẻ em dường như đang bước vào một “vòng xoáy” với môi trường mạng mà ở đó, nếu không có cách nhìn nhận đúng đắn, toàn diện rất có thể sẽ hình thành một thế hệ “nhiễm độc online”.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN