Sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến, đến giữa năm 1953, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu vào tình thế bị động, lúng túng.
Trước nguy cơ thất bại, được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, từ giữa năm 1953, Bộ chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện Kế hoạch Nava (tháng 7-1953), xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh, nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính.
Địch chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, củng cố vùng chiếm đóng, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược, để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta.
Trước tình hình đó, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp, thảo luận và thông qua nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đúng âm mưu, kế hoạch chiến lược của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
Trung ương Đảng đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta.
Thực hiện kế hoạch chiến lược, lực lượng chủ lực của ta đã tiến hành các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương: Chiến dịch Lai Châu (ngày 10 đến 20-12-1953), Chiến dịch Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (21-12-1953 đến tháng 5-1954); Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (26-1 đến 17-2-1954), Chiến dịch Thượng Lào (29-1 đến 13-2-1954), làm đảo lộn thế bố trí lực lượng của địch, buộc chúng phải xé lẻ khối cơ động chiến lược. 9/10 trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của địch đã bị phân tán.
Giữa tháng 11-1953, phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp mở cuộc hành quân Caxto, đổ 6 tiểu đoàn Âu-Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ. Tiếp đó, địch quyết định bỏ Lai Châu, co lực lượng về Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng, phương tiện, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, nhằm bảo vệ Thượng Lào, sử dụng Điện Biên Phủ như một cái bẫy nghiền nát các đại đoàn chủ lực của ta.
 |
Bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm, có 8 trung tâm đề kháng, được chia thành 3 phân khu: Phân khu trung tâm; phân khu Bắc; phân khu Nam. Lực lượng ở tập đoàn cứ điểm có 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), 1 đại đội trọng pháo 155mm (4 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng (10 chiếc), 1 đại đội xe vận tải (khoảng 200 xe), 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc).
Pháo binh bố trí ở 2 căn cứ Mường Thanh và Hồng Cúm. Tổng số quân lúc đầu là 11.800 quân, chủ yếu là lính dù và Âu-Phi tinh nhuệ, đặt dưới quyền chỉ huy của Đờ Caxtơri.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định, tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo sự chuyển biến mới trong cục diện kháng chiến, tạo điều kiện cho Lào giải phóng Thượng Lào.
Chiến dịch mang mật danh Trần Đình. Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp; Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang.
Lực lượng tham gia chiến dịch lúc đầu gồm: Đại đoàn 308 (3 Trung đoàn 102, 88, 36), Đại đoàn 312, (3 Trung đoàn 141, 209, 165), Đại đoàn 316 (2 Trung đoàn 174, 98, một tiểu đoàn của Trung đoàn 176); Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304); Đại đoàn Công pháo 351 (gồm Trung đoàn Pháo binh 45, có 2 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu); Trung đoàn Sơn pháo 675, có 5 đại đội Sơn pháo 75mm (15 khẩu); Trung đoàn Pháo phòng không 367, có 2 tiểu đoàn phòng không 37mm (24 khẩu) và 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm (24 khẩu).
Tổng số quân chủ lực khoảng hơn 40.000. Nếu tính cả tuyến hai, thì số quân lên tới 55.000. Lực lượng phục vụ chiến dịch gồm: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thổ, 261.500 dân công, cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa.
Ngày 14-1-1954, tại Thẩm Púa, Bộ Chỉ huy Chiến dịch phổ biến kế hoạch tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Trong quá trình ta chuẩn bị, địch đã tăng cường lực lượng từ 7 đến 12 tiểu đoàn, xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc hơn.
Việc làm đường và đưa pháo vào trận địa của ta gặp nhiều khó khăn. Bộ Chỉ huy nhận thấy, đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không đảm bảo chắc thắng, nên quyết định tạm dừng cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết, tiến hành công tác chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 11-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang”.
Thực hiện kế hoạch tác chiến, ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu và trải qua 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 13 đến 17-3), các Đại đoàn 312, 308 tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo (Phân khu Bắc).
Đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 24-4), các Đại đoàn 316, 308, 312 tiến công các cứ điểm phía đông (C1, E, D, A1), xây dựng trận địa bao vây, đánh lấn, chia cắt tập đoàn cứ điểm, khống chế, cắt đứt chi viện đường không của địch. Riêng trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, ta phải tổ chức đánh đến ba lần.
Đợt 3 (từ ngày 1 đến 7-5), các Đại đoàn 308, 312, 304, 316 đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía Tây (505, 505A, 511A, 311B, C2, 506, 310), chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trong 56 ngày đêm, trải qua 3 đợt chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Caxtơri chỉ huy.
Loại khỏi vòng chiến đấu 21 tiểu đoàn (17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh); bắn rơi, phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30.000 chiếc dù, toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng.
Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Na-va của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Đây là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.
Ngày 8-5-1954, đúng 1 ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được khai mạc.
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.
Hội nghị trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng, phức tạp, với 7 phiên toàn thể, 24 phiên họp cấp trưởng đoàn. Hiệp định Giơnevơ được ký ngày 21-7-1954. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm 6 chương, 47 điều và 1 phụ bản.
Trong phiên họp toàn thể chiều 21-7-1954, Hội nghị thông qua bản tuyên bố cuối cùng gồm 13 điều, với nội dung chính là xác nhận các bản hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội trị của ba nước Đông Dương.
Giới tuyến quân sự ở Việt Nam chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ. Kể từ ngày 21-7-1955, hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ bắt đầu thương lượng, để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956.
Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Thực dân Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự, rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG (Viện Lịch sử Quân sự)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.