70 năm trước, ngày 7-5-1954, tướng De Castries, chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng. “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”, các chiến sĩ anh hùng của Quân đội anh hùng đã tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, đập tan tập đoàn cứ điểm được các nhà quân sự phương Tây khi ấy coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Điện Biên Phủ đi vào từ điển quân sự thế giới với tầm vóc là một trong những trận đánh lớn mang tính kinh điển về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, được ghi vào trang vàng lịch sử Việt Nam như một Bạch Đằng, Chi Lăng của thế kỷ 20.

Với những ý nghĩa mang tầm quốc tế lớn lao, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được Đảng, Nhà nước tổ chức trang trọng vào sáng 7-5-2024 tại sân vận động tỉnh Điện Biên, được đông đảo người dân trong nước và quốc tế chờ đón, nhất là phần diễu binh, diễu hành, màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc thể hiện ý nghĩa to lớn, giá trị thời đại của chiến thắng "chấn động địa cầu" năm xưa và sự tiếp nối hôm nay. Qua đây đã khơi dậy khí thế hào hùng, tiếp thêm tinh thần yêu nước cho tất cả người dân Việt Nam dù ở trong nước hay sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Điều đặc biệt ấn tượng là qua Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như những ngày chuẩn bị trước đó, ai cũng thấy rõ tình cảm quân dân đoàn kết, gắn bó mật thiết. Những hình ảnh được truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội khiến thế giới thêm khâm phục sức mạnh tinh thần Việt Nam thể hiện sinh động ở tình đoàn kết quân dân ruột thịt, ấm áp như cùng chung một nhà, đại gia đình Việt Nam trong ngôi nhà Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đón nhận tình cảm của nhân dân ở TP Điện Biên Phủ, ngày 7-5-2024.  Ảnh: MẠNH QUÂN 

Trong những giờ giải lao khi tập luyện diễu binh, diễu hành, dưới nắng gắt đầu hè cùng gió Lào khô nóng, người dân TP Điện Biên Phủ, bà con các dân tộc Tây Bắc, bà con từ vùng xuôi lên, bà con Việt kiều từ nước ngoài về thăm Điện Biên... mang nước mát và các loại hoa quả, đồ ăn nhẹ đến mời từng chiến sĩ; mang quạt, nón, ô che nắng mưa cho bộ đội, dân quân... Nhiều người dân còn mang loa kéo, nhạc cụ ra đàn hát, nhảy múa, reo hò cổ vũ cán bộ, chiến sĩ LLVT luyện tập. Hôm tổ chức lễ kỷ niệm, ngay sau khi diễu binh, diễu hành qua lễ đài, các khối tiến ra đường, diễu qua các tuyến phố trong tiếng vỗ tay và cờ hoa vẫy chào của rạng rỡ "rừng người" vô cùng sôi nổi, hào hứng khiến ai chứng kiến cũng thấy trào dâng niềm tự hào dân tộc Việt Nam anh hùng. Ai cũng muốn chụp ảnh cùng cán bộ, chiến sĩ... 

Sau đại lễ, người dân Điện Biên rất xúc động, lưu luyến khi phải tạm biệt bộ đội về đơn vị công tác. Bà con mang những đặc sản địa phương, nào túi gạo nếp nương, túi mận, giỏ hoa ban... tặng cán bộ, chiến sĩ và những cái bắt tay, ôm chặt, ánh mắt bịn rịn chẳng muốn rời. Nổi bật trong ngày chia tay Điện Biên là hình ảnh Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngồi trên xe tươi cười vẫy chào người dân; bà con xúm xít, ai cũng muốn được bắt tay, được chụp ảnh cùng Đại tướng. Bức ảnh ấn tượng ấy được đăng tải trên nhiều trang báo và lan tỏa trên mạng xã hội như một biểu tượng đẹp về tình quân dân cá nước. Qua đó còn toát lên hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tha thiết yêu hòa bình, một Việt Nam cởi mở, thân thiện với bạn bè năm châu...

Nhiều tờ báo quốc tế đã đồng loạt đưa tin về Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự ngưỡng mộ sâu sắc. Ngày 7-5, hãng thông tấn Reuters (Anh) khẳng định “trận Điện Biên Phủ lịch sử là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20” kèm theo tin Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sebastien Lecornu cũng tham dự lễ kỷ niệm. Hãng tin AFP (Pháp) đưa tin và hình ảnh đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Bắc dự lễ kỷ niệm với bao niềm hân hoan... Báo chí của Lào, Campuchia, Tây Ban Nha, Mexico... cũng đưa tin ca ngợi lễ diễu binh, diễu hành. Báo Voces Del Periodista (Mexico) nhấn mạnh: “Sau 70 năm, dư âm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca của thế kỷ 20”. Báo Granma (Cuba) đăng bài có tiêu đề ấn tượng: “Điện Biên Phủ-Trận chiến trên xe thồ”...

Từ những thông tin, hình ảnh lễ kỷ niệm, bạn bè khắp thế giới ngưỡng mộ đại gia đình các dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ kỷ niệm cũng là lời của toàn dân, của ý chí và niềm tin Việt Nam: Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn sẽ được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng...

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành một biểu tượng văn hóa quân sự Việt Nam lung linh tỏa rạng những vầng hào quang giá trị văn hóa: Một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là đội quân vô địch. Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp thêm lửa để biểu tượng ấy soi rõ hơn con đường toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mạnh mẽ, tự tin bước vào thời kỳ mới.

Từ thực tiễn Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và thực tế lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành hôm nay đã khẳng định một chân lý: Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mới có thể thống nhất được các đoàn thể chính trị, các tầng lớp xã hội, các vùng miền, các dân tộc, miền xuôi, miền ngược... tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chỉ có Đảng lãnh đạo, Quân đội ta mới tập trung thống nhất một cách tuyệt đối từ mục tiêu, lý tưởng đến phương hướng nhiệm vụ, đối tượng, nội dung tác chiến. Trong bối cảnh mới, các nước có nền quốc phòng mạnh đang hướng theo nguyên tắc “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin: Tinh gọn ở quân số; tập trung, thống nhất ở chỉ đạo; thông minh về vũ khí; nhanh chóng về cơ động. Sức mạnh một quân đội chỉ được thể hiện mạnh mẽ khi có sự thống nhất từ trên xuống dưới như một cơ thể. Với Quân đội ta, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đã tạo ra và phát huy cao nhất sự thống nhất ấy.

leftcenterrightdel

"Trong vòng tay nhân dân" (ảnh chụp tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, sáng 7-5-2024).  Ảnh: TUẤN HUY 

Qua lễ kỷ niệm, chúng ta càng thấm sâu bài học kinh nghiệm giữ gìn mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Quân đội ta là con đẻ của nhân dân, từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Phát huy cao độ bản chất này sẽ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế trận lòng dân vững chắc, hình thái “chiến tranh nhân dân” đặc sắc, hiệu quả. Qua nghiên cứu đỉnh cao Chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc chống Mỹ, cứu nước, nhiều nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu thế giới khẳng định nhờ đường lối chiến tranh nhân dân mà Việt Nam đã tập hợp được cao nhất sức mạnh nội sinh, kết hợp với sự ủng hộ quốc tế để vượt qua những thách thức tưởng như không thể. Trên cơ sở quan hệ cá nước với nhân dân nên Quân đội ta đã kết tinh cao độ, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin, sự chủ động của toàn dân. Cụ thể là sự kết hợp đồng bộ, thống nhất LLVT 3 thứ quân, trong đó nòng cốt là bộ đội chủ lực vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh từ xưa đến nay, kể cả các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy, dù chiến tranh có dùng vũ khí công nghệ cao thì sự ủng hộ của nhân dân và tinh thần người lính vẫn mang tính quyết định. Đó là tinh thần yêu nước, xả thân, khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh trong mọi tình huống. Để có được tinh thần ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đã và đang nỗ lực phấn đấu hết mình vì nhân dân, vì Tổ quốc; được nhân dân ủng hộ, tin yêu, ngày càng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Tình cảm quân dân sâu nặng, lắng đọng mãi sau Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thể hiện rất rõ điều này, là động lực, niềm tin để toàn quân tiếp tục gìn giữ, phát huy để bất kỳ ở đâu cũng "Đi dân nhớ, ở dân thương", được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, chở che...

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bày tỏ: "Lễ kỷ niệm đã qua tròn một tháng, nhưng hình ảnh các đoàn diễu binh, diễu hành hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang cùng những ánh mắt và nụ cười lấp lóa trên khuôn mặt rám nắng; những tràng pháo tay vang dội và nhất là tình cảm ấm áp của cán bộ, chiến sĩ LLVT với nhân dân vẫn nguyên vẹn trong tâm trí người dân tỉnh Điện Biên và cả vùng Tây Bắc". 

 

SƠN BÌNH - THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.