Hầu hết các đơn vị chủ lực của đối phương đều phải đứng chân ở các khu vực có các trục đường xung yếu để bảo vệ các thị xã, thành phố quan trọng, buộc chúng phải để hở những vùng nông thôn và rừng núi rộng lớn. Ở miền Đông Nam Bộ, địch tập trung phòng thủ vững chắc Sài Gòn, cố thủ những nơi đã chiếm đóng sâu trong vùng giải phóng như An Lộc, Chơn Thành, Phước Long làm bàn đạp đánh phá hậu phương ta.
Về phía ta, từ sau Hội nghị Trung ương 21 (tháng 7-1973), ta đã khôi phục hầu hết các vùng giải phóng bị địch lấn chiếm và mở thêm một số vùng mới. Ở Nam Bộ, khối chủ lực được tăng cường với việc thành lập nhiều đơn vị như Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, cùng với trang bị nhiều vũ khí, phương tiện mới. So sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, ta đã mạnh hơn địch, tuy chưa áp đảo nhưng đã có khả năng mở những cuộc tiến công lớn trên một số hướng chiến lược.
Quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, Bộ tư lệnh Miền mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13-12-1974 / 6-1-1975)[1] nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng khu vực dân cư ở Đường số 14, mở rộng đầu cầu tuyến vận tải chiến lược, tạo thêm bàn đạp để tiến về Sài Gòn.
Địa bàn diễn ra Chiến dịch trải rộng trên 4 tỉnh: Phước Long, Bình Phước, Bình Long, Tây Ninh, Bình Dương. Trong đó Thị xã Phước Long cách Sài Gòn hơn 100km, được ta chọn là mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch. Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm: Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), Sư đoàn 3 chủ lực Miền (2 trung đoàn), Trung đoàn đặc công 942, 1 trung đoàn pháo, 3 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 xe tăng, xe thiết giáp, 1 trung đoàn công binh, 2 tiểu đoàn địa phương Bình Long, Phước Long và lực lượng vũ trang địa phương các huyện, xã trên địa bàn. Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh Chiến dịch, Đại tá Bùi Cát Vũ làm Phó tư lệnh Chiến dịch; Đại tá Hoàng Nghĩa Khánh làm Tham mưu trưởng Chiến dịch.
 |
Hành quân về giải phóng Phước Long. Ảnh tư liệu.
|
Tại Phước Long, lực lượng địch có 4 tiểu đoàn bảo an, 2 đại đội cảnh sát, 10 trung đội pháo binh, 1 chi đội xe thiết giáp M113, 60 trung đội dân vệ, 3.000 phòng vệ dân sự[2].
Chiến dịch diễn ra 3 đợt và trải qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu, ta diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long (diệt 1.160, bắt 2.146 quân địch, 1.000 ra trình diện), bắn rơi và phá huỷ 15 máy bay, 4 pháo 155mm, 3 xe thiết giáp; thu 3.125 súng các loại, 2 máy bay, 100 xe quân sự, hơn 10 nghìn đạn pháo; giải phóng toàn tỉnh Phước Long[3].
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa chiến lược trong thời điểm mở đầu của chiến cuộc Mùa khô 1974-1975 trên chiến trường B2, tạo ra địa bàn chiến lược quan trọng. Ta có thêm một vùng giải phóng rộng lớn, hoàn chỉnh, là ngã ba của hành lang Đường 559 thông xuống Khu 6 và miền Đông Nam Bộ, làm bàn đạp thuận tiện cho các binh đoàn chủ lực tiến công chọc thủng vùng trung tuyến để tiến vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc - Tây Bắc.
Chiến thắng này góp phần làm thay đổi đáng kể tương quan về thế trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, ta tiêu diệt một Tiểu khu của Quân đoàn 3 ngụy, bẻ gãy được một mắt xích trong tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, làm cho hướng Tây Bắc Sài Gòn trở nên mỏng yếu, uy hiếp trực tiếp phía Đông Đường số 13, làm suy yếu hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn.
Chiến thắng Đường số 14 - Phước Long chứng minh khả năng của ta lúc đó đã có thể giải phóng hàng loạt huyện đi đến giải phóng hoàn toàn một tỉnh trên chiến trường rừng núi, ta đã có khả năng làm thay đổi nhanh chóng thế chiến lược trên chiến trường, đây còn là “trận trinh sát chiến lược”.
Chiến thắng này đánh dấu bước sụp đổ của quân đội Sài Gòn, đồng thời phản ánh lực lượng chiến đấu của địch đã suy yếu không đủ sức phản kích để giành lại những địa bàn có tầm chiến lược quan trọng đã mất vào tay bộ đội chủ lực ta. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long thắng lợi còn cho thấy ý đồ và khả năng can thiệp vào miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ đã bị hạn chế. Thắng lợi của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng và thế bố trí trên chiến trường Đông Nam Bộ giữa ta và địch.
 |
Truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 5-1-1975. Ảnh tư liệu. |
Về mặt nghệ thuật, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã để lại những bài học quý về kinh nghiệm tổ chức, thực hành chiến dịch, đặc biệt là tổ chức kết hợp đánh thọc sâu và kết hợp giữa trong đánh ra, ngoài đánh vào đạt hiệu suất chiến đấu cao. Lần đầu tiên trên chiến trường B2, chủ lực Miền đã vận dụng đánh hiệp đồng binh chủng gồm bộ binh, xe tăng, pháo cơ giới, đánh chiếm một thị xã được phòng thủ chặt chẽ. Trong Chiến dịch này, nghệ thuật đánh trận then chốt và then chốt quyết định đã tạo ra bước đột phá. Cụ thể, thắng lợi của trận then chốt Đồng Xoài đã góp phần quyết định cô lập hoàn toàn Chi khu Phước Bình và Thị xã Phước Long, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Trận then chốt quyết định đánh địch ở Chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy phá bỏ bộ máy cai trị của địch; góp phần quyết định vào thắng lợi chung của chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long, tạo ra được một địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp phía đông Đường số 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc-Đông Bắc Sài Gòn. Góp phần thay đổi đáng kể thế trận có lợi cho ta ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch là chọn khu vực và hướng tiến công chính xác, đánh vào điểm tương đối yếu, sơ hở trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn. Trong toàn bộ chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch luôn nắm vững thời cơ, mạnh dạn phát triển tiến công, giành thắng lợi lớn so với dự kiến; sử dụng cách đánh chiến dịch và các hình thức chiến thuật phù hợp khi đánh địch phòng ngự. Chiến thắng Đường số 14 - Phước Long mang đầy đủ ý nghĩa của việc “đánh thắng trận đầu” của Quân đoàn 4. Chiến thắng đó đã tạo ra một tiền đề tốt đẹp cho việc xây dựng quân đoàn phát triển nhanh chóng, vững mạnh.
Tuy nhiên, Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long vẫn còn một vài hạn chế như: Chưa hiệp đồng được chặt chẽ giữa bộ binh với xe tăng, pháo binh, giữa đột phá chính diện với hợp vây, đón lõng; chưa hình thành rõ rệt cách đánh chiếm từng khu vực, phát triển từ khu vực này sang khu vực khác trong thành phố.
Từ cơ sở thực tiễn Chiến thắng Đường 14 - Phước Long, ngày 8-1-1975, tại Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã kết luận: “Tất cả chúng ta đều nhất trí hoàn toàn về các mặt: Đánh giá tình hình sau Hiệp định Paris, đánh giá lực lượng so sánh giữa ta và địch, nhận định thời cơ lịch sử, khẳng định quyết tâm chiến lược hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976, xác định nhiệm vụ, mục tiêu và các bước thực hiện”[4]. Đây là đòn trinh sát chiến lược thăm dò khả năng quân ngụy và sự can thiệp của Mỹ, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.
NGUYỄN THỊ THẢO
[1] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Đường số 14- Phước Long (Cuối năm 1974- đầu năm 1975), Lưu hành nội bộ, Hà Nội 1988, tr. 46.
[2] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.153.
[3] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.155.
[4] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.187.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.