Bước vào mùa khô 1974-1975, quân ta đẩy mạnh hoạt động tạo thế, tạo lực trên các chiến trường của toàn miền Nam. Trước tình hình đó, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 để mở Chiến dịch Đường 14-Phước Long, làm bàn đạp tạo thế đe dọa, tiến công hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng, mở rộng tuyến hành lang vận chuyển nối thông với Tây Nguyên.
Khu vực Phước Long địch bố trí gồm các Chi khu quân sự Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, căn cứ Bà Rá vốn được xem là tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ Sài Gòn từ xa. Bởi địch xác định, từ các tỉnh này, quân Giải phóng có thể từ Tây Nguyên tràn xuống hoặc từ Lộc Ninh đánh vào Bình Dương, đe dọa Sài Gòn. Giữ được Phước Long tức là địch sẽ tạo ra “lá chắn” ngăn chặn hành lang vận tải của ta qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; đồng thời giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn các vùng do ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác.
 |
Hành quân về giải phóng Phước Long. Ảnh tư liệu. |
Ngày 13-12-1974, ta nổ súng đánh chiếm đồn bảo an ở km19 trên Đường 14, mở màn chiến dịch. Sau 5 ngày chiến đấu liên tục, ta đã tiêu diệt Chi khu Bù Đăng, Yếu khu Bù Na, diệt hơn 60 đồn bốt địch, giải phóng khu vực dài hơn 100km dọc Đường 14 từ Bù Đăng đến Đồng Xoài với 14.000 dân.
Từ ngày 23-12 đến 28-12-1974, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7), tiến công tiêu diệt Chi khu Bù Đốp và một số đồn bốt địch trên Đường 311; Trung đoàn 141 và Trung đoàn 290 (Sư đoàn 7) tiến công chi khu Đồng Xoài, giải phóng Đường 14, đưa lực lượng áp sát, cô lập hoàn toàn thị xã Phước Long.
Rạng sáng 31-12-1974, ta nổ súng tiến công Chi khu quân sự Phước Bình, cùng lúc bộ đội địa phương tiến công Phước Lộc. Sáng 1-1-1975, Tiểu đoàn 79 đặc công chiếm núi Bà Rá. Ngày 2-1-1975, ta tiến công và ngày 6-1-1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phước Long.
Sau 25 ngày chiến đấu, Chiến dịch Đường 14-Phước Long kết thúc thắng lợi. Ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân; tạo bàn đạp chiến lược quan trọng uy hiếp hệ thống phòng thủ bắc Sài Gòn của địch. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở gần Sài Gòn. Chiến dịch Đường 14-Phước Long là đòn đánh thăm dò phản ứng của Mỹ, góp phần củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược của Đảng ta là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong 2 năm 1975-1976.
Bên cạnh ý nghĩa chiến lược này, Chiến dịch này Đường 14-Phước Long còn để lại giá trị lớn về nghệ thuật chiến dịch, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 |
Truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 5-1-1975. Ảnh tư liệu. |
Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ trường kỳ chúng ta sử dụng cách đánh lướt từ ngoài vào trong, vừa đánh vừa thăm dò động thái của địch. Tại chiến dịch, quân ta được điều động lực lượng tăng dần từng bước đã khiến cho địch không phán đoán được hành động mà chủ động tìm phương cách đối phó. Bị các lực lượng chủ lực của ta tấn công liên tục qua các giai đoạn mà hầu như không có thời gian đệm nên địch càng bị động và nhanh chóng sụp đổ.
Cụ thể, ở Bù Đăng ta diệt diệt 2 căn cứ chính thì toàn bộ chốt dân vệ và cả chốt bảo an trên Đường 14 đều tan rã. Ở Đồng Xoài ta tiêu diệt chi khu xong dùng đó làm bàn đạp phát triển chiến đấu các mục tiêu xung quang trong vòng nửa ngày. Ở cụm thị xã Phước Long ta hình thành 2 bước: Bước 1, ta tiêu diệt chi khu Phước Bình và Bà Rá, bởi vì chi khu Phước Bình có sân bay ta có thể khống chế diệt máy bay địch, khống chế trên không, không cho máy bay địch đổ quân xuống thị xã Phước Bình và núi Bà Rá. Bước 2, ta đánh vào thị xã. Đây chính là cách đánh sáng tạo trong chiến dịch để đưa đến sự thành công trong chiến dịch.
Đáng kể, trong bước 2 của chiến dịch, đây là lần đầu tiên chủ lực của ta vận dụng cách đánh hợp đồng binh chủng tiến công thị xã có cấu trúc phòng thủ tương đối kiên cố. Theo đó, ta sử dụng 1 tiểu đoàn xe tăng, 6 khẩu 130 ly, pháo 122 ly, 105 ly, tạo ra hỏa lực lấn ướt và thời cơ thuận lợi để bộ binh làm chủ các trận đánh, tiến tới chia cắt, bao vây và xử lý gọn các mục tiêu.
Trong cuốn “Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1980 đã thông tin sau sự kiện ta xuyên thủng “lá chắn” Đường 14-Phước Long: Mỹ - Thiệu làm rùm beng “sự kiện Phước Long”. Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp; một bộ phận hạm đội 7 được điều đến bờ biển Nam Việt Nam; quân chủ lực ngụy ồ ạt phản công “tái chiếm Phước Long”. Nhưng bị thất bại thảm hại, cuối cùng cả Mỹ lẫn ngụy phớt lờ đi “sự kiện Phước Long”.
Sự kiện “lá chắn” Đường 14-Phước Long bị xuyên thủng đã báo hiệu suy yếu nghiêm trọng của quân ngụy, không đủ sức phản kích chiếm lại những vùng đã mất và Mỹ khó có khả năng can thiệp bằng lực lượng quân sự trở lại vào miền Nam. Thời cơ giải phóng Tây Nguyên đã điểm bằng chiến thắng vang dội như thế.
MẠNH THẮNG (khai thác và phân tích theo Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu, tập 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản: 2007)