Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 đánh dấu bước phát triển toàn diện của Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1972, ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã hình thành quy luật, mùa khô ta tiến công địch, mùa mưa địch lại tổ chức tiến công ta hòng chiếm lại địa bàn. Bước vào mùa mưa năm 1972, trước yêu cầu chiến lược phải giữ vững địa bàn Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và trên cơ sở phân tích, đánh giá cục diện chiến trường, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn của địch, Đoàn 559 và Bộ Tổng Tham mưu đã sớm đề xuất với Quân ủy Trung ương ta mở chiến dịch phòng ngự. Bộ tư lệnh chiến dịch gồm 6 đồng chí, do đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính ủy; phía Lào có đồng chí Xi Phon - Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng làm Phó tư lệnh về quân sự.
 |
Khẩu đội cối 82mm trong Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972. Ảnh tư liệu
|
Khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lúc này địch có 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh; bố trí theo 4 khu vực quanh Cánh đồng Chum, được không quân Mỹ chi viện. Để đánh bại các đợt tiến công quy mô lớn của địch, lần đầu tiên ta và Bạn tổ chức lực lượng lớn, gồm 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 88), 2 tiểu đoàn đặc công, 8 tiểu đoàn binh chủng Quân tình nguyện Việt Nam; 7 tiểu đoàn chủ lực và 4 đại đội bộ đội địa phương, 6 đại đội binh chủng Quân đội Cách mạng Lào trong một chiến dịch phòng ngự. Đây là những đơn vị đã hoạt động nhiều năm trên chiến trường Cánh đồng Chum, nắm vững đặc điểm tiến công của địch.
Để đập tan các đợt tiến công quy mô lớn của địch, ta bố trí, sử dụng lực lượng khoa học với hai bộ phận chính: Bộ phận cơ động đánh địch trên các hướng phòng ngự bị địch uy hiếp gồm 2 trung đoàn bộ binh 148, 335[1] (xây dựng trận địa bố trí đứng chân ở khu vực Bắc Noọng Tai, Nam Phu Keng Luông); bộ phận phòng ngự tại chỗ gồm 2 trung đoàn 174, 866, 1 đại đội tăng thiết giáp và toàn bộ pháo binh chiến dịch (xây dựng trận địa thành các chốt, cụm chốt để ngăn chặn địch tiến công). Các đơn vị, lực lượng tham gia chiến dịch được Bộ tư lệnh chiến dịch phân công nhiệm vụ cụ thể.
Mặc dù phải chuyển ngay sang chiến dịch phòng ngự, khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn, song bằng ý chí quyết tâm, chỉ trong một thời gian ngắn, ta và Bạn đã xây dựng, phát triển một hệ thống phòng ngự vững chắc, nhiều tuyến, có chiều sâu. Trước khi địch tiến công lớn ra Cánh đồng Chum, ta đã xây dựng được hàng trăm mét đường hầm xuyên núi ở Phu Tâng, Phu Keng, Phu Học; từng khu vực phòng ngự đều được tổ chức các chốt và cụm chốt với nhiều công trình kiên cố, hình thành thế liên hoàn, chi viện và hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm đánh địch từ xa, từ bốn hướng đến và từ trên không đổ bộ xuống bằng trực thăng.
Dựa vào thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, suốt gần 6 tháng liên tục chiến đấu, Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đã kết thúc thắng lợi. Trong chiến dịch này, ta và Bạn đã đánh 224 trận (trong đó Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện 170 trận; lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện 74 trận), loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên, đánh thiệt hại nặng 3 GM (binh đoàn cơ động) (21, 23 và 26), 3 tiểu đoàn Thái Lan, tiêu hao sinh lực 5 GM, bắn rơi 38 máy bay, thu hơn 859 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch.[2]
Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Lào, liên quân Việt Nam - Lào đã tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn có tính chất chiến lược của Mỹ và phái hữu Lào, bảo vệ được vùng giải phóng có ý nghĩa chiến lược trọng yếu đối với cách mạng. Thắng lợi của chiến dịch đã làm thất bại âm mưu của Mỹ nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Lào, tạo ra những chuyển biến mới về so sánh tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, mở ra triển vọng đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý trong việc giải quyết vấn đề Lào; đồng thời làm phá sản âm mưu địch muốn thu hút, giam chân, phân tán chủ lực Việt Nam ở Lào để đỡ đòn cho các chiến trường khác ở Đông Dương, tạo nên thế phối hợp cùng “chia lửa” với chiến trường miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch đã thể hiện sự thống nhất về mặt chủ trương, sự phân công, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ta và Bạn suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch; đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, nghệ thuật tác chiến của Quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch phòng ngự quy mô lớn, dài ngày.
Nét đặc sắc của nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là ta sử dụng lực lượng ít mà tinh, lấy chất lượng chiến đấu cao để đối phó với số lượng đông và sức mạnh binh khí kỹ thuật hiện đại của địch; phát huy cao nhất khả năng của mọi lực lượng trong chiến dịch phòng ngự. Các lực lượng cơ động, giữ chốt và lực lượng dự bị được bố trí, sử dụng hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Trong quá trình thực hành tác chiến, Bộ tư lệnh chiến dịch có kế hoạch chu đáo bảo đảm vừa tác chiến, vừa củng cố, bổ sung lực lượng bảo đảm chiến đấu liên tục, dài ngày; kịp thời tăng cường lực lượng chiến đấu cho các khu vực bị uy hiếp nhất; kiên quyết tổ chức bẻ gãy các mũi tiến công của địch, nhanh chóng khôi phục lại các địa bàn trọng yếu đã mất.
Chiến dịch đã vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo, lần lượt đánh bại mọi biện pháp, thủ đoạn tiến công của địch. Trong đó, nét nổi bật là ta đã khéo kết hợp giữa phòng ngự khu vực (trọng điểm là việc xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa làm nòng cốt) với tích cực phản kích và tiến công ra ngoài công sự, chớp thời cơ, mở các trận phản đột kích then chốt tiêu diệt lực lượng tiến công nòng cốt của địch; vừa biết lấy ít đánh nhiều là phổ biến, vừa biết tập trung lực lượng thích hợp đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng ở những trận then chốt, giành thắng lợi quyết định.
Quán triệt tư tưởng “phòng ngự tích cực”, “phòng ngự thế công”, lực lượng phòng giữ trên các cụm, chốt đã sử dụng lực lượng nhỏ lẻ, chủ động đánh địch từ xa bằng các chiến thuật, như: Phục kích, tập kích, bắn tỉa vào các khu vực, mục tiêu quan trọng. Lực lượng của cấp trên cũng thực hiện đánh nhỏ, đánh vừa vào trận địa pháo binh, bãi đỗ trực thăng, đánh sâu vào đội hình phía sau, các căn cứ hậu phương của địch. Nhờ vận dụng cách đánh linh hoạt, ta đã kìm chân, ngăn chặn, tiêu hao, buộc địch phải sớm triển khai đội hình để đối phó, phá thế tiến công hoàn chỉnh của chúng. Khi địch tiến công, dựa vào thế trận phòng ngự vững chắc, có chiều sâu và sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ta đã liên tục tiến công ở cả phía trước, bên sườn, phía sau, đẩy lùi các đợt tiến công của địch từ nhiều hướng, giữ vững các chốt trọng yếu, như: Phu Pha Xay, Phu Hua Sang, Phu Học… Đồng thời, biết tập trung lực lượng thích hợp, đúng lúc, dùng cách đánh tiến công hiệp đồng binh chủng, thực hành các trận đánh phản đột kích để phát triển chiến dịch, tạo điều kiện để đánh trận then chốt quyết định, giành thắng lợi.
Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về nghệ thuật chỉ đạo và thực hành tác chiến chiến dịch phòng ngự của Quân tình nguyện Việt Nam. Qua chiến dịch, Quân tình nguyện Việt Nam càng vững vàng về chính trị, nâng cao một bước về nhận thức tư tưởng, về kỹ thuật, chiến thuật. Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hành chiến dịch phòng ngự; về cách đánh địch ngoài công sự, về hiệp đồng, phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, giữa bộ binh với pháo binh; rèn luyện thêm phương pháp, tác phong chỉ huy tác chiến phòng ngự...
Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đã đánh dấu bước trưởng thành của Quân tình nguyệt Việt Nam cả về thực tiễn và lý luận chiến dịch phòng ngự. Đó là bước phát triển của nghệ thuật phân tích, đánh giá đúng tình hình, chuyển sang loại hình chiến dịch phòng ngự đúng thời cơ; nghệ thuật lựa chọn chính xác các khu vực phòng ngự, chủ động lập thế trận phòng ngự vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu; nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý và vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Qua chiến dịch, Quân tình nguyện Việt Nam càng vững vàng về chính trị và trình độ kỹ chiến thuật; khẳng định bộ đội ta có đủ khả năng bảo đảm giao thông, hậu cần, kỹ thuật trong một chiến dịch phòng ngự quy mô lớn, liên tục, dài ngày. Đây là lần đầu tiên ta và Bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, góp phần làm phong phú thêm lý luận nghệ thuật chiến dịch, đặc biệt là loại hình chiến dịch phòng ngự; khẳng định chiến dịch phòng ngự là một hình thức tất yếu không thể thiếu được trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi yêu cầu chiến lược đặt ra phải bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ thành quả cách mạng và khi lực lượng cách mạng đủ sức đảm đương được nhiệm vụ.
Thượng tá, TS TRẦN ANH TUẤN - Viện Lịch sử quân sự
[1]Đến tháng 10 năm 1972, được Bộ tăng cường thêm Trung đoàn 88.
[2] Khoa Nghệ thuật quân sự, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum mùa mưa năm 1972, Viện khoa học quân sự, 1977, tr. 87-. 88.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.