Chuẩn bị lực lượng đối phó với âm mưu và thủ đoạn của Mỹ

Trước âm mưu và thủ đoạn của Mỹ, tháng 9-1964, Bộ Chính trị ra nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh giải phóng ở miền Nam; đồng thời từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc.

Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút xây dựng và điều chỉnh lại lực lượng phòng không bảo vệ các khu vực trọng yếu, trong đó đặc biệt chú trọng địa bàn Quân khu 4 và khu vực ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa. Công tác phòng không nhân dân cũng được triển khai bằng nhiều biện pháp như tổ chức hệ thống báo động phòng không; tổ chức các tổ đội dân quân tự vệ bắn máy bay tầm thấp; xây dựng hầm hào phòng không, sơ tán nhân dân và các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... ra khỏi các khu vực trọng điểm; nhằm kịp thời đánh trả các cuộc tiến công đánh phá của máy bay Mỹ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam bắt đầu

Ngày 7-2-1965, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc bằng Chiến dịch Mũi lao lửa (từ ngày 7 đến ngày 11-2-1965), sử dụng máy bay thuộc Hạm đội 7 cùng với lực lượng không quân ngụy quyền Sài Gòn đánh phá đồng thời vào các mục tiêu quân sự và khu dân cư ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, với cường độ xuất kích từ 60 đến 110 lần chiếc/ngày. Với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, quân và dân các địa phương Quảng Bình, Vĩnh Linh đã kịp thời phòng chống và đánh trả quyết liệt, bắn rơi 4 máy bay, buộc Mỹ phải kết thúc chiến dịch mà không đạt được mục đích đề ra.

Ngày 2-3-1965, Mỹ chuyển sang triển khai Chiến dịch Sấm rền (2-3-1965 / 31-10-1968), mở rộng leo thang đánh phá dần ra vĩ tuyến 19 và 20, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở kinh tế ở miền Bắc. Ngay trong ngày 2-3, Mỹ huy động 160 lần chiếc máy bay ồ ạt tiến công căn cứ hải quân ở sông Gianh; tiếp đó, từ ngày 14 đến cuối tháng 3-1965, chúng sử dụng hàng trăm lần chiếc máy bay mở rộng phạm vi đánh phá đến vĩ tuyến 19, nhằm vào các mục tiêu quan trọng như doanh trại quân đội, đài radar, các căn cứ hải quân, không quân, kho tàng và một số cơ sở kinh tế (Mỏ Crôm Cổ Định - Thanh Hóa, Nhà máy Điện Vinh...).

Nhưng Mỹ vẫn không đạt được mục tiêu là khuất phục miền Bắc trong vòng vài ba tháng, buộc phải chuyển mục đích chiến dịch từ chỗ “bẻ gãy ý chí miền Bắc” thành “cắt đứt luồng tiếp tế người và hàng hoá từ miền Bắc vào miền Nam”. Ngày 1-4-1965, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh cho Không quân Mỹ đánh phá hệ thống cầu cống, bến phà và nhiều mục tiêu quan trọng từ vĩ tuyến 20 trở vào.

Tàu tuần tiễu của Tiểu đoàn 100, Trung đoàn 171 bảo vệ cầu Long Biên, tháng 5-1967. Ảnh: Tư liệu. 

Từ ngày 1 đến ngày 23-4-1965, lực lượng không quân Mỹ tập trung đánh phá các tuyến đường giao thông quan trọng (1, 7, 8, 12, 15…), phá hủy và đánh hỏng hàng loạt cầu cống, trong đó có một số cầu lớn như Đò Lèn, Đồng Hới, cầu Cấm, Hoàng Mai, Khe Kiền, Cà Tang... Từ giữa năm 1965, Không quân Mỹ được lệnh mở rộng đánh phá ra ngoài vĩ tuyến 20, trừ khu vực các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực ở cách biên giới Việt - Trung khoảng 48 km.

Với quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch; trong vòng 3 tháng đầu năm 1965, quân và dân ta đã bắn rơi gần 300 máy bay, bắn hỏng 7 tàu chiến, bắt nhiều phi công Mỹ, trong đó riêng 3 ngày mở đầu (ngày 7, 8 và 11-2), quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Bình và Nghệ An đã bắn rơi 22 máy bay. Ngày 15-3, dân quân Diễn Hùng (Diễn Châu, Nghệ An) bắn rơi 1 máy bay phản lực A-4D, mở đầu chiến công của dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ.

Ngày 3-4, các biên đội không quân Việt Nam xuất kích trận đầu, đánh địch trên vùng trời Hàm Rồng, Đò Lèn, bắn rơi 2 máy bay F-8U. Trong đợt tác chiến phòng không từ ngày 24 đến ngày 27-7-1965, lực lượng tên lửa phòng không, phối hợp với pháo phòng không bắn rơi 10 máy bay, trong đó tên lửa bắn rơi 5 chiếc, pháo phòng không bắn rơi 5 chiếc. Sự xuất hiện bất ngờ của lực lượng không quân và tên lửa bắn rơi nhiều máy bay đã gây nhiều lúng túng và buộc Mỹ phải thay đổi cách đánh.

Leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt 

Sau khi ngừng ném bom nhân dịp lễ Noel và năm mới (từ 24-12-1965 đến 31-1-1966), bước vào những tháng đầu năm 1966, cùng với việc tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất ở miền Nam, Mỹ tiếp tục đánh phá miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và sử dụng các biện pháp đối phó với lực lượng phòng không của ta một cách quyết liệt hơn. Không quân Mỹ tăng cường độ và quy mô đánh phá đường bộ, đường sắt ở Nam, Bắc sông Hồng, đường 5, 18, trục đường 12 phía Tây Quảng Bình, sử dụng máy bay B-52 đánh đèo Mụ Giạ (từ ngày 12 đến ngày 27-4-1966). Từ cuối tháng 4-1966, không quân Mỹ mở đợt đánh phá vào hệ thống các trận địa phòng không ở Văn Điển, Đan Phượng (Hà Nội) và một số khu công nghiệp (Uông Bí, Mỏ than Cẩm Phả, Nhà máy Điện Cao Ngạn, Khu Gang thép Thái Nguyên…); tiếp đó, đánh phá hệ thống kho xăng dầu (13 mục tiêu) trên tất cả các khu vực như Đức Giang (Hà Nội), Thượng Lý (Hải Phòng), Kim Thành và Kinh Môn (Hải Dương), Bố Hạ (Bắc Giang), Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Phối hợp với không quân, lực lượng hải quân Mỹ cũng mở Chiến dịch Rồng biển (từ tháng 10-1966 đến tháng 10-1968) bắn phá và ngăn chặn, phong tỏa vùng ven biển miền Bắc từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 18. Chúng mở rộng đánh phá các mục tiêu ngoại vi Hà Nội như Ga xe lửa Yên Viên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Xưởng sửa chữa ô tô Văn Điển, Tứ Kỳ, sau đó đánh một số điểm trong trung tâm Hà Nội như khu Giảng Võ, phố Hàng Chuối, phố Nguyễn Thiếp...

Từ ngày 22-2-1967 đến ngày 31-3-1968, Mỹ leo thang đánh phá tất cả các cơ sở công nghiệp của miền Bắc, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng với mức độ ác liệt và quy mô lớn hơn nhằm triệt đường viện trợ quốc tế vào miền Bắc, cắt nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam, phá hủy tiềm lực kinh tế, cô lập Hà Nội, Hải Phòng, làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải.

Chiến thắng giòn giã của quân và dân miền Bắc

Trước các hành động leo thang chiến tranh của Mỹ, tháng 7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh động viên cục bộ để tăng cường lực lượng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi. Trong năm 1966, quân và dân miền Bắc liên tiếp đánh bại các cuộc đánh phá của Không quân và Hải quân Mỹ, bắn rơi 773 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 28 tàu. Từ tháng 5-1967, tác chiến phòng không bảo vệ các yếu địa và bảo vệ giao thông vận tải đã phát triển thành các đợt tác chiến lớn, hiệp đồng binh chủng mang tính chất các chiến dịch phòng không hiện đại. Bằng cách đánh mưu trí sáng tạo, kết hợp giữa tác chiến bảo vệ khu vực trọng điểm và tác chiến cơ động, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng phòng không, trong năm 1967, quân và dân miền Bắc bắn rơi 1.067 máy bay, bắt 161 phi công; bắn chìm, bắn cháy 69 tàu chiến, trong đó có nhiều đợt tác chiến, nhiều trận đánh hiệu suất cao như trận đánh bảo vệ Hà Nội (ngày 19-5) bắn rơi 10 máy bay; đợt tác chiến tháng 8, tháng 10, tháng 12 ở Hà Nội bắn rơi 20 máy bay…

Với thắng lợi của quân và dân miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tăng cường máy bay trinh sát các mục tiêu ở miền Bắc và tập trung không quân, hải quân đánh phá quyết liệt hệ thống giao thông trên địa bàn Quân khu 4. Bộ đội ta đã bắn rơi 425 máy bay, bắn cháy 31 tàu chiến, tích cực góp phần bảo vệ các tuyến giao thông chi viện cho miền Nam.

Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam, Bắc, đồng thời trước sức ép của cuộc tranh cử tổng thống, ngày 1-11-1968, Mỹ buộc phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom đánh phá miền Bắc, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Trong gần 4 năm, không quân Mỹ đánh phá 191.229 trận, ném xuống miền Bắc 700 nghìn tấn bom đạn, gấp gần hai lần số lượng bom đạn sử dụng ở chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, bằng 3/5 số lượng bom đạn ném xuống châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhưng cuối cùng vẫn thất bại, không đạt được mục tiêu đề ra. Quân và dân miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay, bắt 363 phi công, bắn cháy, bắn chìm 143 tàu chiến, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia.

Đại úy, ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử quân sự)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.