Nội dung cơ bản của Mười lời thề tuyên thệ được giữ nguyên cho đến ngày nay, chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ theo từng giai đoạn lịch sử. Trong đó, có nội dung về thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Điều 5: “Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế”[1]. Đây là một trong những phẩm chất cao quý làm nên nhân cách cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong tám thập niên qua.  

Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mặc dù chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng do yêu cầu cấp bách của cách mạng Lào và Campuchia, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định Đông Dương là một chiến trường. Ngày 25-11-1945, trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, Đảng chủ trương thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào, thành lập Bộ tư lệnh Lào - Miên. Theo đó, các liên khu đã cử các đội vũ trang tuyên truyền đi sâu vào các vùng tạm chiếm xây dựng cơ sở kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành căn cứ địa ở Thượng, Trung và Hạ Lào.

Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Đến đầu năm 1947, Liên quân Việt - Lào đã được tổ chức ở nhiều nơi, các tỉnh thuộc Chiến khu 4 của Việt Nam đã tổ chức Ban Biên chính để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào đẩy mạnh đấu tranh. Liên quân Việt - Lào đã tổ chức nhiều trận đánh góp phần đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc phải chuyển sang đánh lâu dài. Trong những năm 1951-1952, lực lượng kháng chiến Lào được sự phối hợp, giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam[2] tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng ở các địa bàn Thượng, Trung và Hạ Lào.

Đối với cách mạng Campuchia, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các khu 7, 8, 9 lần lượt phái nhiều đoàn cán bộ, đơn vị vũ trang sang phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia đánh địch và phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ, xây dựng tổ chức Ítxarắc, thành lập các ủy ban giải phóng, phát triển phong trào kháng chiến trên khắp các vùng, đưa đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Chính phủ kháng chiến.

Đặc biệt, trong Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ta mở 5 đòn tiến công chiến lược, trong đó phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia tiến công địch ở Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và ở Thượng Lào, buộc Pháp phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện để trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi ngày 7-5-1954, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.

Đối với cách mạng Trung Quốc, đầu năm 1946, hơn 700 người của Đội du kích kháng Nhật “Lão Nhất Đoàn” do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ở Nam Lộ - Quảng Đông, bị một sư đoàn thuộc phái phản động Quốc dân đảng bao vây và truy kích. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Đội du kích rút về khu giải phóng của Việt Nam chỉnh đốn lực lượng. Tại đây, Đảng bộ cơ sở địa phương sắp xếp ổn định đời sống cho các đồng chí trong “Lão Nhật Đoàn”. Đến tháng 9- 1947, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Lão Nhất Đoàn” trở về nước tham gia cuộc chiến tranh giải phóng[3].

Đến tháng 3-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đại diện sang đề nghị Việt Nam xuất quân chi viện giúp Biên khu Việt - Quế[4] xây dựng, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Đáp ứng yêu cầu của bạn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao Bộ Tổng Tư lệnh mở Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (10-6 đến 5-7-1949). Bộ đội Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc tiêu diệt nhiều đồn bốt, mở rộng các khu căn cứ Điền Quế, Việt Quế, Tả Giang, Thập Vạn Đại Sơn. Trong chiến dịch có 22 bộ đội Việt Nam anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ các đồng chí Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng của Trung Quốc, nhân dân Long Châu đã xây dựng Đài liệt sĩ cách mạng Việt Nam bên quốc lộ Trung Việt ở Thủy Khẩu. Những chiến sĩ QĐND Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng máu của mình viết nên bài ca hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Trung[5].

Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng ba nước Đông Dương tiếp tục được phát huy trong chiến đấu chống kẻ thù chung. Những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ba nước Đông Dương, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương, đồng thời, cũng là thắng lợi của tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Ngay sau khi cách mạng Campuchia vừa giành thắng lợi cũng là lúc tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary dựng lên mô hình “Chủ nghĩa cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”, dùng nhiều thủ đoạn man rợ thủ tiêu tất cả những người chống đối. Với nước Việt Nam láng giềng, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, trắng trợn phủ nhận lịch sử đoàn kết, liên minh chiến đấu của nhân dân hai nước, coi “Việt Nam là kẻ thù số 1, kẻ thù vĩnh cửu”[6]; tổ chức đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Tre… thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phớt lờ mọi nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, ngày 23-12-1978, quân đội Campuchia Dân chủ mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Để cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nguy cơ diệt vong[7], đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (thành lập ngày 2-12-1978), Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định đưa Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự sang giúp nhân dân Campuchia. Từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam phối hợp với Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc tổng công kích. Ngày 7- 1- 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Trong 10 năm (1979 - 1989) thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam cùng quân và dân Campuchia từng bước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các phần tử phản động nhằm khôi phục chế độ diệt chủng; giúp nhân dân Campuchia khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, đất nước hồi sinh và phát triển; giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng và các tổ chức đoàn thể đủ sức vươn lên từng bước tự đảm đương nhiệm vụ quản lý, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ “sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất” đó mà đất nước, dân tộc Campuchia được cứu sống. Nhân dân và “lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”[8].

Tiếp tục giữ trọn lời thề làm nghĩa vụ quốc tế trong tình hình mới

Là dân tộc từng chịu nhiều hy sinh, gian khổ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu và quý trọng giá trị của hòa bình. Trong điều kiện quốc tế hiện nay, muốn bảo vệ được nền hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước, phải tạo được môi trường hòa bình xung quanh ta và đóng góp cho hòa bình thế giới. Đảng ta xác định: “Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”[9].

Lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày 27-4-2022. Ảnh: qdnd.vn 

Quán triệt và triển khai Nghị quyết của Đảng, từ năm 2014 đến nay, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 804 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan); 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân tại trụ sở Liên hợp quốc, phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi[10].

Các lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia hoạt động đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy Phái bộ, sĩ quan quân đội các nước và chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres đánh giá: “Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam là một trong những lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tốt nhất trên thế giới”[11]. Tháng 6-2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Đặc biệt, đầu tháng 2- 2023, Thổ Nhĩ Kỳ bị liên tiếp hứng chịu các trận động đất kinh hoàng làm hơn 51.000 nạn nhân động đất thiệt mạng và hơn 105.000 người khác bị thương[12]. Trước lời kêu gọi giúp đỡ của Tổng thống Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ: “Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết một cuộc khủng hoảng ở quy mô lớn đến như vậy”[13], Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử Đoàn công tác QĐND Việt Nam gồm 76 quân nhân, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Thường trực ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ huy.

Phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, cán bộ, sĩ quan QĐND Việt Nam đã khắc phục khó khăn, vượt qua nguy hiểm các dư chấn động đất mạnh, thời tiết khắc nghiệt đã tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có người trong đống đổ nát, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu có sự sống; bàn giao cho lực lượng cứu nạn của bạn theo hiệp đồng để đưa 28 thi thể nạn nhân ra ngoài[14].

Trước những nghĩa cử cao đẹp đó, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Haldung Tekneci tại Việt Nam cảm ơn đất nước Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến giúp đỡ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất, trong đó nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để biểu dương và khen ngợi những nỗ lực hết sức dũng cảm, những đóng góp quên mình và những hành động vô cùng cao đẹp của họ. Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu”[15].

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam trong 80 năm qua luôn gắn chặt giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ quốc tế. Nhờ quán triệt và thực hiện tốt việc kết hợp giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình giúp bạn, hoàn thành sứ mệnh quốc tế vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”[16].

Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG – Viện Lịch sử Quân sự


[1] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Tuyên huấn, Sổ tay chiến sĩ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2023, tr.63.

[2] Ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.

[3] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Sở Lưu trữ Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây biên soạn, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 2006, tr.217.

[4] Việt Quế - Khu vực biên giới giữa hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây; Điền Quế - Khu vực biên giới hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.

[5] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Sở Lưu trữ Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây biên soạn, Sđd, tr.218.

[6] Uyn-phrết Bớc-sét, Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986, tr.180.

[7] Trong vòng chưa đầy 4 năm cầm quyền của Khơ-me Đỏ, khoảng hơn 2 triệu người (25% tổng dân số) bị chết. Đến nay, ở Campuchia đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể, với tên gọi là “Cánh đồng chết”.

[8] Ngày 7-1-1979, Một ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Báo Nhân Dân, Số 19495, ngày 6-01-2009, tr.4.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.281.

[10] Dấu ấn Việt Nam trên chặng đường gìn giữ hòa bình, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dau-an-viet-nam-tren-chang-duong-gin-giu-hoa-binh-665937.html

[11]https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/viet-nam-va-nhung-dau-an-trong-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh 630191.html

[12] https://vietnamnet.vn/tho-nhi-ky-tiet-lo-ton-that-vi-tham-hoa-dong-dat-2122834.html

[13] https://vietnamnet.vn/tho-nhi-ky-tiet-lo-ton-that-vi-tham-hoa-dong-dat-2122834.html

[14]https://vietnamnet.vn/dieu-chua-tung-co-tien-le-khi-quan-doi-viet-nam-cuu-ho-cuu-nan-tai-tho-nhi-ky-2113715.html

[15] https://vietnamnet.vn/dieu-chua-tung-co-tien-le-khi-quan-doi-viet-nam-cuu-ho-cuu-nan-tai-tho-nhi-ky-2113715.html

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14 (1963-1965), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.435.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.