Cuối năm 1947 đầu năm 1948, tại khu vực Tây Bắc, thực dân Pháp từng bước kiểm soát được hầu hết các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn và đường giao thông quan trọng. Lợi dụng sơ hở của ta tại một số vùng chưa nắm được cơ sở quần chúng, quân Pháp đã tăng cường đánh phá, lấn đất, kiểm soát dân, đẩy các đoàn thể kháng chiến và lực lượng vũ trang ta bật sang địa bàn khác. Trước tình hình trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng (họp từ ngày 15 đến 17-1-1948) đã phân tích tình hình sau thắng lợi Việt Bắc Thu - Đông 1947 và đề ra nhiệm vụ kháng chiến thời kỳ mới.
Triển khai chủ trương của Đảng và để đối phó với các hoạt động của quân Pháp tại khu vực Nghĩa Lộ, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Khu 10 phá kế hoạch bao vây biên giới của Pháp, đưa các đại đội độc lập, các đội xung phong và các đội vũ trang tuyên truyền vào sâu trong vùng tạm chiếm của quân Pháp và tay sai. Xây dựng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng và mở rộng căn cứ địa Tây Bắc. Thực hiện chỉ thị trên, Bộ chỉ huy Khu 10 quyết định mở Chiến dịch tiến công Nghĩa Lộ, nhằm mục đích tiêu diệt Tiểu đoàn 1 xứ Thái tự trị ở Nghĩa Lộ để uy hiếp Sơn La; buộc quân Pháp ở Lào Cai, Văn Bàn phải phân tán lực lượng về giữ hậu phương, tạo thuận lợi cho các đơn vị khác tiêu diệt các vị trí của đối phương án ngữ biên giới, đồng thời buộc Pháp phải rút quân từ Hòa Bình lên giữ Sơn La.
 |
Bộ đội luyện tập bắn súng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Tại khu vực Nghĩa Lộ, lực lượng địch có Tiểu đoàn 1 người Thái thuộc tiểu khu Yên Bái, gồm 3 đại đội chiến đấu; 1 trung đội chỉ huy của đại đội Com-măng-đô Lào và một số đông lính dõng được trang bị súng cối, trung liên, súng trường, đóng ở các vị trí Nghĩa Lộ, Cốc Báng, Gia Hội, Quang Huy. Lực lượng Khu 10 của ta tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Sơn La và Yên Bái, được Bộ tăng cường Tiểu đoàn Sông Lô và Tiểu đoàn 45. Tổng số 2.000 quân. Ban chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí Bế Sơn Cương, Vũ Lập.
Theo kế hoạch, chiến dịch dự kiến mở màn bằng trận đánh chiếm vị trí Nghĩa Lộ, sau đó tập trung đánh xuống Quang Huy. Trên hướng Nghĩa Lộ, ta sử dụng 2 tiểu đoàn Sông Lô và Yên Bái, 5 đại đội độc lập, hỏa lực có 1 cối 81mm, 1 cối 60mm, 9 bazooka, 11 trung liên, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quân Pháp chiếm đóng ở đây; trong khi đó, Tiểu đoàn 45 được trang bị pháo 75mm, quấy rối, nghi binh ở Gốc Bản, Cửa Nhì. Trên hướng Quang Huy, Trung đoàn 97 điều 2 tiểu đoàn đánh tiêu diệt vị trí Quang Huy, nếu không diệt được thì tổ chức bao vây 3 ngày, chờ lực lượng ở Nghĩa Lộ xuống tiếp viện sẽ tiến công tiếp.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, do công tác giữ bí mật không được thực hiện tốt nên quân Pháp đã tăng cường phòng thủ Nghĩa Lộ. Trước tình hình đó, ta chuyển hướng tiến công các đồn Gia Hội, Cốc Báng, Cửa Nhì, Quang Huy. Ngày 19 và 20-4, bộ đội xuất phát hành quân đánh chiếm Gia Hội nhưng vì rừng rậm, bị lạc phải quay về. Các ngày 21 và 22-4 tổ chức chiến đấu nhưng không chiếm được đồn, phải rút lui. Các vị trí khác, mặc dù lực lượng ta đã tổ chức được nhiều trận tiến công quyết liệt, tiêu hao được một bộ phận lực lượng địch, nhưng các trận đánh đều không chiếm được đồn. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các trận phục kích chặn lực lượng chi viện của địch cũng không tổ chức đánh được địch.
Chiến dịch kết thúc ngày 1-5-1948.
Sau thắng lợi Việt Bắc Thu - Đông 1947, ta có chủ trương đánh sâu vào Tây Bắc để xây dựng căn cứ địa và áp lực cho mặt trận Yên Bái. Được giao nhiệm vụ, Khu 10 đã quyết tâm tập trung lực lượng tổ chức chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kế hoạch, chỉ huy chiến dịch đã biết tổ chức tập trung lực lượng đánh trên nhiều hướng, cùng lúc đánh vào nhiều vị trí quan trọng buộc địch phải căng kéo đối phó. Có thể nói, ý định chiến dịch khá rõ ràng và khá tốt. Tuy nhiên, khi dự kiến chưa phân tích kỹ tương quan lực lượng địch - ta, nên đề ra mục tiêu đánh chiếm đất không thực tế. Mặt khác, có phần chủ quan, quá tin tưởng vào thắng lợi nên không dự kiến các tình huống có thể xảy ra để kịp thời đối phó. Khi thực hành chiến đấu, công tác chuẩn bị và hành quân không chu đáo, để bộ đội bị lạc; không kết hợp được lực lượng tập kích đánh đồn và lực lượng phục kích đánh viện…
Chiến dịch Nghĩa Lộ là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kết quả chiến dịch đã thực hiện được việc tiêu hao, tiêu diệt được lực lượng đáng kể của địch nhưng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tuy vậy, qua thử thách thực tế khi thực hành một chiến dịch tiến công đầu tiên, bước đầu đã tạo ra cho cán bộ, chiến sĩ niềm tin mới về sự phát triển của quân đội ta. Đồng thời, qua chiến dịch, cấp chỉ huy và bộ đội rút ra nhiều bài học quý đầu tiên về cách đánh các cứ điểm địch trong một chiến dịch tiến công, tạo tiền đề cho những thắng lợi trong các chiến dịch tiến công sau này.
Thượng tá, TS LÊ VĂN CỬ (Viện Lịch sử quân sự)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.