Chủ trương đúng đắn, sáng tạo

Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ Nhất (19-10-1946), Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải thắng Pháp” [1]. Tháng 11-1946, quân Pháp gây hấn và khiêu khích ta ở Hải Phòng; đầu tháng 12-1946, gây hấn ở Thủ đô Hà Nội. Trắng trợn hơn, chiều 18-12-1946, chỉ huy quân Pháp gửi “tối hậu thư” đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Đáp lại hành động đó và với thiện chí, khát vọng hòa bình, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiên trì đàm phán hòa bình với chính quyền Pháp, nhưng chúng ta “càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” [2]. Lời kêu gọi của Người đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết và trí tuệ Việt Nam; với mọi thứ vũ khí sẵn có và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Kiện toàn tổ chức lực lượng kịp thời

Tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập nhằm lãnh đạo, triển khai xây dựng tiềm lực quân sự, lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến chống Pháp trên quy mô cả nước. Sau Trung ương Quân ủy, các cấp ủy đảng trong bộ đội chủ lực khu cũng lần lượt được tổ chức, xây dựng chi bộ, đẩy mạnh phát triển đảng viên ở các đơn vị lực lượng vũ trang.

Bộ đội sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946. Ảnh: TTXVN 

Nhằm thống nhất về tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các Sắc lệnh số 33/SL, số 71/SL, tổ chức các đơn vị lực lượng vũ trang, thành tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn; chuyển Vệ Quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Cùng với đó, ta cũng quan tâm xây dựng một số tổ chức binh chủng kỹ thuật. Ngày 29-6-1946, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập 3 trung đội pháo gồm: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh...

Trước nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược lan rộng ra cả nước ngày một đến gần, yêu cầu nâng cao chất lượng và tăng cường số lượng lực lượng vũ trang đặt ra một cách cấp bách. Các địa phương đẩy mạnh việc động viên thanh niên gia nhập Quân đội. Đông đảo thanh niên, trong đó nhiều người chưa đến tuổi nhập ngũ cũng hăng hái tòng quân. Đến cuối năm 1946, lực lượng vũ trang nói chung đã trưởng thành lên nhiều về tổ chức, biên chế và lực lượng. Bộ đội chủ lực tăng từ 5.000 người (tháng 8-1945) lên tới 82.000 người (tăng gấp 16 lần); lực lượng vũ trang tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ biên chế thành 32 trung đoàn và 11 tiểu đoàn độc lập [3], miền Nam có 25 chi đội [4].

Lực lượng tự vệ phát triển mạnh. Cùng với tự vệ cứu quốc, mỗi huyện có từ một trung đội đến một đại đội tự vệ chiến đấu. Ở các thành phố, thị xã có thêm tự vệ thành. Toàn quốc có gần 1.000.000 tự vệ và du kích, chưa kể công an xung phong. Tại những thành phố, thị xã có quân tiếp phòng Pháp đóng, tự vệ giữ vai trò trực tiếp đấu tranh chống các hành động khiêu khích, vi phạm hiệp định của địch. “Việt Minh ra-rê” [5], là lực lượng mà quân Pháp luôn e sợ.

Sau Hội nghị quân sự toàn quốc tháng 10-1946, nhiều nội dung quan trọng về quân sự và chuẩn bị kháng chiến được khẩn trương triển khai. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, chú trọng nâng cao chất lượng chính trị của cán bộ, chiến sĩ, trong đó đưa những người có năng lực vào làm chính trị viên, mở các lớp huấn luyện chính trị, thống nhất chương trình huấn luyện. Xây dựng, kiện toàn số ngành chuyên môn như quân giới, quân nhu, quân y; một số binh chủng bước đầu hình thành được tăng cường: Thông tin, công binh, pháo binh…; kiện toàn các cơ quan chỉ huy, tham mưu. Từ ngày 18-10 đến ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I họp kỳ thứ hai quyết định hợp nhất Bộ Quốc phòng với Quân sự Ủy viên hội thành Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy để thống nhất việc chỉ đạo công cuộc chuẩn bị kháng chiến. Ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 230/SL, bổ nhiệm ông Võ Nguyên Giáp, nguyên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội toàn quốc. Ông Văn Tiến Dũng, nguyên Chính trị ủy viên Chiến khu 2, được giao nhiệm vụ phụ trách Cục Chính trị.

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1946, theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta tại các đô thị bắc vĩ tuyến 16 nổ súng đánh địch, mở đầu kháng chiến toàn quốc. Ở Vinh, quân Pháp chỉ có một trung đội, bị đánh bất ngờ buộc phải đầu hàng. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi nơi Pháp có một đại đội, sau mấy ngày cố thủ, chúng tháo chạy. Ở Hải Dương và Hồng Gai, mỗi nơi chúng có gần một tiểu đoàn; một số đơn vị khác đóng lẻ bị diệt.

Tại Nam Định, 650 quân Pháp dựa vào công sự và các kiến trúc kiên cố, cố thủ. Quân ta vây hãm, có chỗ chỉ cách địch một mặt đường, nhưng không có vũ khí công phá, ta không diệt được mục tiêu. Sau khi giải vây Hà Nội, địch tăng viện cho Nam Định. Chúng đổ bộ bằng đường thủy và đường không, kết hợp với lực lượng tại chỗ phá vây. Lực lượng ta rút về nông thôn sau 83 ngày đêm vây hãm và tiếp tục thường xuyên luồn vào nội thành đánh phá, quấy rối địch. Tại Huế, bộ đội, tự vệ cùng nhân dân dựng chiến lũy dựa vào sông Hương, sông An Cựu và đường số 1 bao vây 750 lính Pháp suốt 50 ngày đêm. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, cửa ngõ miền Trung, quân Pháp ở đây lên đến 6.500 tên. Do thiếu sót trong chỉ huy, kế hoạch tiến công phủ đầu quân địch không thực hiện được. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại Cổ viện Chăm, Ngã Năm, bốt Đội Cung... Sau một tuần, bộ đội và tự vệ rút dần ra ngoài cùng nhân dân các huyện Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên... lập vành đai chặn địch.

Tiêu biểu cho cả nước là cuộc chiến đấu tại Hà Nội. Quân địch ở đây gồm 6.500 tên và 13.000 Pháp kiều, nhiều người được vũ trang. Quân Pháp đã đóng ở những vị trí quan trọng, tạo thành thế bao vây chia cắt nội thành Hà Nội, khống chế những nơi đóng quân và kèm sát các cơ quan đầu não của ta.

Theo kế hoạch, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy. Đèn điện phụt tắt. Hiệu lệnh tiến công đã phát. Các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo... đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu đã định. Nhân dân khuân bàn, ghế, giường, tủ, bao hàng... ra đường lập chiến lũy, ngả cây cối, cột điện..., ngăn chặn địch. Quân Pháp tung lực lượng ra phản kích.

Ta và địch giành đi, giật lại ở nhiều nơi như Tòa thị chính, Bắc Bộ phủ, Bưu điện Bờ Hồ. Sau bốn ngày, Tiểu đoàn 101 chuyển vào Liên khu I (trung tâm Hà Nội), các tiểu đoàn khác bố trí ở Liên khu II và III (phía nam và tây nam thành phố), thực hiện kế hoạch “trùng độc chiến”. Vậy là thế trận “trong đánh ra, ngoài đánh vào, trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh” hình thành. Ta triệt để vận dụng cách đánh du kích, không cố thủ ở một nơi nào lâu và dựa vào từng căn nhà, từng góc phố để đánh địch. Nhiều gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm đã xuất hiện. Chính trị viên Lê Gia Định đập bom trước thềm Bắc Bộ phủ, Trung đội trưởng Trần Thành ôm bom ba càng lao lên phá xe tăng địch trước chợ Hôm, 20 nam nữ tự vệ Bưu điện Bờ Hồ chiến đấu đến người cuối cùng, thà chết không chịu lọt vào tay giặc. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, trưởng thành, tháng 1-1947, Trung đoàn Liên khu I, sau được mang tên Trung đoàn Thủ đô, ra đời. Tiếp đó là Trung đoàn 48 và Trung đoàn 52 ra đời trên các cửa ô. Để duy trì chiến đấu, giếng nước được đào ngay trên hè phố, những bao đậu chất làm chiến lũy được lấy ngâm giá thay rau, bãi sông Hồng là đường tiếp tế và liên lạc vào Liên khu I.

Từ ngày 15-1-1947, có viện binh, quân Pháp mở các cuộc tiến công lớn chiếm các cửa ô, hãm chặt Liên khu I. Tiếp tế ngày một khó khăn, lương thực, thuốc men, đạn dược cạn kiệt. Đêm 17-2-1947, lực lượng của ta ở Liên khu I làm cuộc rút quân “thần kỳ” về hậu phương an toàn. Quân và dân Thủ đô đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, vây hãm chúng suốt hai tháng, vượt nhiều so với thời gian dự kiến.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội sát cánh chiến đấu, mỗi đường phố là một trận địa, mỗi ngôi nhà, góc phố là một pháo đài, cả thành phố là một mặt trận. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh; giam chân đạo quân chủ lực mạnh, làm thất bại kế hoạch nhanh chóng chiếm Hà Nội, tạo bàn đạp đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ của địch; bảo vệ được cơ quan đầu não kháng chiến, giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang; cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương bước vào kháng chiến. Đó là chiến công “Đại thắng lợi” như lời khen của Bác Hồ. Kết quả đó có dấu ấn đặc biệt to lớn của lực lượng vũ trang.

Gần 80 năm trôi qua kể từ ngày “Toàn quốc kháng chiến”, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập nên bao kỳ tích như đi tiên phong trong việc đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và đội quân viễn chinh Pháp, lập lại hòa bình trên một nửa đất nước; tiếp đó đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới cùng đội quân xâm lược hàng triệu tên của đế quốc Mỹ và tay sai, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu vì độc lập, tự do. Trải qua gần 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, bộ mặt đất nước đang có những đổi thay nhanh chóng theo hướng phát triển, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được tăng cường và khẳng định. Có được những thành quả to lớn, vĩ đại đó, không thể không nói tới tinh thần quật khởi, ý chí quyết chiến quyết thắng của lực lượng vũ trang, đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc, tự do trong những ngày “Toàn quốc kháng chiến”.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.133.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.534.
[3] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.94.
[4] Chi đội, đơn vị tương đương tiểu đoàn hoặc trung đoàn.
[5] Tên gọi do quân Pháp đặt cho lực lượng tự vệ của Mặt trận Việt Minh, mang phù hiệu sao vàng trên nền đỏ hình vuông.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.