Tham dự hội nghị có đại biểu Xứ ủy Nam Bộ, Liên khu ủy Liên khu 5, Ban cán sự đảng các tỉnh cực nam Trung Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 đã nêu khái quát về tình hình miền Nam và nhấn mạnh phương pháp đấu tranh của cách mạng ở miền Nam diễn ra trong những năm từ 1954-1958 là: “Đồng bào miền Nam phát huy truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng của mình, luôn luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, chống chế độ độc tài hung bạo của Mỹ - Diệm, chống khủng bố đàn áp, chống dồn dân, bắt phu bắt lính, chống thuế khóa nặng nề, chống viện trợ Mỹ... để bảo vệ quyền sống hằng ngày và đòi lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Bắc Nam, đòi hòa bình, thống nhất Tổ quốc”[1].
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định về đối tượng đấu tranh của cách mạng miền Nam tiếp tục là đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm: “Kẻ thù cụ thể trước mắt là đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm. Thế lực của đế quốc Mỹ ngày nay trên thế giới ngày càng sa sút, thế lực của chúng ở miền Nam căn bản không phải mạnh. Tình hình ngày càng biến chuyển bất lợi cho chúng, có lợi cho ta. Việc xây dựng thực lực của chúng ta trong quần chúng và trong quân đội miền Nam sẽ là những cơ sở căn bản bảo đảm cho chúng ta giành lấy thắng lợi cuối cùng”[2].
 |
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1959. Ảnh: baotanglichsu.vn
|
Theo đó, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là: “Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”[3]
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xác định đường lối cách mạng miền Nam: “Hội nghị Trung ương lần này quyết định đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam, sẽ soi sáng phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam, tăng thêm tin tưởng và ý chí phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam tiến lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình”[4].
Hội nghị quyết định: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”[5]. Trong đó, sử dụng phương pháp cách mạng là: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc nhiều, ít tùy tình hình, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân... Muốn đạt được điều đó, phải tích cực chuẩn bị theo phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ Mỹ - Diệm”[6]. Trung ương Đảng dự kiến: “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang thời kỳ giữa ta và địch. Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó mọi tình thế”[7].
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ cứu nước là của toàn Đảng, toàn dân…phải đặt miền Nam Việt Nam trong cách mạng chung của cả nước và cách mạng nước ta trong cách mạng thế giới… Ta giương cao ngọn cờ hòa bình vì rất có lợi cho ta. Nhưng hòa bình không phải là ta không chuẩn bị lực lượng… Nếu ta tổ chức lực lượng chính trị cho tốt, khi cần vũ trang sẽ không khó”[8].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng ta, một lần nữa khẳng định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Dự kiến xu thế phát triển của cách mạng miền Nam, Nghị quyết đã chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang hai miền Nam, Bắc, tạo điều kiện cho quân đội ta có thêm thời gian và chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng.
NGUYỄN THỊ THẢO (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20 (1959), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 95.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20 (1959), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 28.
[3] Nghị quyết Trung ương 15 mở rộng (13.1.1959), Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà (Trích). Tài liệu lưu tại Thư viện Viện lịch sử quân sự, Kí hiệu TWĐ-1959, TW.1140, tr.8.
[4] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20 (1959), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.55-56.
[5]Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20 (1959), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.81.
[6]Nghị quyết Trung ương 15 mở rộng (13.1.1959), Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà (Trích). Tài liệu lưu tại Thư viện Viện lịch sử quân sự, Kí hiệu TWĐ-1959, TW.1140, tr.25.
[7] Nghị quyết Trung ương 15 mở rộng (13.1.1959), Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà (Trích). Tài liệu lưu tại Thư viện Viện lịch sử quân sự, Kí hiệu TWĐ-1959, TW.1140, tr.27.
[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 2, Nxb quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.72.