Theo chủ trương của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xóm Nà Sung, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Tại buổi lễ thành lập Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp Công bố Chỉ thị và đọc Diễn văn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh: “Thế là từ giờ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu” (1). Giây phút thiêng liêng đánh dấu sự ra đời của Quân đội ta đã tạo ra bước ngoặt lịch sử đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính thức hiện thực hóa chủ trương thành lập quân đội công nông được Đảng ta đề ra gần 15 năm trước: “Tổ chức ra quân đội công nông” (2) trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”. Từ thực tiễn của cao trào cách mạng (1930-1931), trong dự thảo đầu tiên về “Giai đoạn hiện nay của phong trào cách mạng ở Đông Dương và những nhiệm vụ của đảng cộng sản” (tài liệu của Quốc tế Cộng sản), ngày 15-3-1931 đã chỉ rõ: “Trong quảng đại quần chúng ngày càng phát triển ý thức rằng chỉ có đấu tranh vũ trang của chính quần chúng nhân dân mới có thể giải phóng được đất nước” (3).
 |
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu
|
Diễn văn như “bản hịch” thời hiện đại (trước đó là “Bài thơ thần” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo) đã thôi thúc 34 chiến sĩ sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, thực sự là đội quân của nước, của dân khi nhấn mạnh: “Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra mà làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của nhân dân, của nước, đi tiền phong trên con đường giải phóng của dân tộc” (4).
Diễn văn còn là lời tuyên thệ về chấp hành nghiêm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội ta: “Quân giải phóng là một đội quân rất trọng kỷ luật tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi... Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu” (5). Xác lập và tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là nguyên tắc, là phương thức giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với Quân đội; vấn đề này, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng), tháng 3-1957 khẳng định: “Công tác chính trị là biểu hiện cụ thể của sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Công tác chính trị trong Quân đội tức là của Đảng, vì việc Đảng lãnh đạo Quân đội về tư tưởng và chính trị, việc xây dựng tổ chức đảng và công tác đảng là nội dung chính của công tác chính trị. Nhiệm vụ cơ bản của công tác chính trị là quán triệt sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối chính sách của Đảng để giáo dục bộ đội, nâng cao giác ngộ chính trị của mọi người trong toàn quân, do đó mà củng cố sự đoàn kết trong và ngoài Quân đội, củng cố và nâng cao ý chí chiến đấu, bảo đảm cho quân ta thắng lợi trong chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ” (6).
Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý; vì vậy, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị phải được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn chiến đấu của Quân đội ta theo đúng huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc” (7). Cùng với các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị khác như: Đọc 10 lời thề danh dự, ăn bữa cơm đoàn kết không rau, không muối bên bếp lửa hồng để biểu thị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu đến ngày thắng lợi, Diễn văn thành lập Đội đã cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến đấu và tinh thần quyết thắng của Đội. Vì vậy, chỉ sau một ngày thành lập, đội quân cách mạng ấy đã liên tiếp đánh thắng hai trận đầu tiên Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) trong hai ngày 25 và 26-12-1944, mở ra truyền thống “quyết chiến quyết thắng” của Quân đội ta. Chiến công đầu đã cổ vũ phong trào đánh đuổi thực dân Pháp, mở đường cho thắng lợi tiếp nối thắng lợi, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Quân đội ta là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tày, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi thì cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức” (8).
Lịch sử đã đặt trọng trách lớn trên vai đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đọc Diễn văn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, cũng đồng nghĩa với việc đồng chí là người đầu tiên tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lịch sử Quân đội ta, là người duy nhất được Thượng tướng Trần Văn Trà cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ suy tôn: “Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”; hơn thế nữa, đã khẳng định hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị được tiến hành rất mẫu mực ngay từ khi Quân đội ta ra đời và là nguyên tắc bất di bất dịch trong lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tròn 80 năm, nhưng không khí hào hùng, sức lan tỏa của Diễn văn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vẫn là cẩm nang quý, được đội ngũ chính ủy, chính trị viên cùng các thế hệ cán bộ chính trị các cấp trong Quân đội rất trân trọng, là tài liệu “gối đầu giường” để vận dụng và phát triển sáng tạo trong tiến hành và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị lịch sử, cả hiện tại cũng như trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
---------
(1) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 514; tr.514; tr.514-515.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 2, 2000, tr.2.
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 3, 1999, tr. 263-264.
(6) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 18, 2002, tr. 228.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.218.
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 434.
Thượng tá, TS HÀ SƠN THÁI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.