Sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Ta đã có những vùng giải phóng rộng lớn, mở được cửa thông thương quốc tế. Lực lượng vũ trang có khả năng tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Song, thực dân Pháp, với sự trợ giúp của đế quốc Mỹ, vẫn nỗ lực tăng cường chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp.
Nhằm giải quyết những vấn đề mới của cách mạng đặt ra, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập. Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên.
 |
Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương. Ảnh: dangcongsan.vn |
Trong 10 ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân.
Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày đã tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, vì độc lập, thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
Đại hội đề ra nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, kiến thiết một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, phát triển chế độ dân chủ, nhân dân Việt Nam do con đường dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Về nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Đại hội quyết nghị: “Phải xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, chấn chỉnh, với ba đặc điểm: Dân tộc, nhân dân và dân chủ. Đảng và Chính phủ phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích, xây dựng Đảng và công tác chính trị trong quân đội, tích cực cải thiện sinh hoạt, đào tạo cán bộ, đặc biệt nâng đỡ cán bộ công nông, giáo dục tư tưởng, rèn luyện kỷ luật nghiêm khắc và tự giác, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, đề cao việc học tập lý luận quân sự, kết hợp với kinh nghiệm thực tế của chiến trường Việt Nam”.
Để đưa kháng chiến đến toàn thắng, Đại hội nhấn mạnh: “Đảng ta phải kiện toàn sự lãnh đạo chiến tranh, tập trung lực lượng, điều động cán bộ nhiều hơn vào công tác quân sự, hướng hoạt động của mọi ngành vào việc phụng sự kháng chiến, đề cao việc học tập quân sự trong toàn Đảng”.
Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định, sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh của Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.
Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 ủy viên chính thức: Đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng ta. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai, với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương được bầu chính thức trong một đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc.
Về mặt quân sự, với sự khẳng định và phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối kháng chiến, với nghị quyết cụ thể, nhằm bồi dưỡng sức dân, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, Đại hội II đã tiếp thêm sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, có tác dụng quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi.
Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.