Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã bẻ gãy cuộc tiến công của thực dân Pháp tại Việt Bắc, đánh dấu sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giai đoạn mới.
Kế hoạch đầy tham vọng của thực dân Pháp
Kế hoạch tiến công Việt Bắc do tướng Xalăng, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương soạn thảo và được Chính phủ Pháp thông qua đầu tháng 7-1947, dự kiến chia thành hai bước.
Bước 1 mang tên Léa, dùng hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ Việt Bắc, trọng tâm là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Theo đó, ngày 7-10-1947, thực dân Pháp cho quân dù đổ bộ chiếm Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn; đồng thời, cánh quân hướng Đông từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, vòng xuống Bắc Kạn, phối hợp với quân dù hình thành gọng kìm thứ nhất; cánh quân hướng Tây theo đường thủy, từ Sông Hồng ngược Sông Lô, Sông Gâm lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa là gọng kìm thứ hai. Bộ chỉ huy Pháp dự tính, đến ngày 13-10, hai gọng kìm sẽ khép lại ở Đài Thị (Đông Bắc Chiêm Hóa).
Bước 2 mang tên Cloclo, tập trung càn quét khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới và Tây đường 3, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm, đồng thời, cho quân nhảy dù chặn tuyến giao thông Chợ Chu - Thái Nguyên, sau đó, tùy tình hình sẽ tiến hành càn quét trong khu vực.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và cán bộ Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế hoạch phản công trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Ảnh tư liệu
|
Những chiến công vang dội núi rừng Việt Bắc
Phía ta, chiến dịch do Bộ tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định là Chỉ huy trưởng.
Lực lượng tham gia gồm 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và các khu 1, 10, 12, cùng với 30 đại đội độc lập và dân quân du kích 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Ngày 7-10-1947, Pháp huy động lực lượng hơn 10.000 quân, gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội máy bay (40 chiếc), 3 thủy đội (40 tàu, xuồng), hình thành hai gọng kìm kẹp chặt căn cứ địa Việt Bắc, trọng điểm càn quét là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới.
Lúc đầu, do phán đoán chưa đúng hướng tiến công của địch, ta bị bất ngờ và chịu một số tổn thất. Cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội bị địch sát hại.
Ngày 13-10, Bộ tổng chỉ huy nhận được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của địch, từ chiếc máy bay bị ta bắn rơi ở Cao Bằng ngày 9-10. Bộ tổng chỉ huy quyết định điều chỉnh phương án tác chiến, tổ chức lại lực lượng: đưa các đại đội độc lập về các địa phương, phát động chiến tranh du kích rộng khắp, sử dụng hình thức tác chiến chủ yếu là đánh phục kích để tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân cơ động của địch, phối hợp và tạo điều kiện cho các tiểu đoàn tập trung đánh những trận vừa và lớn; lập 3 mặt trận: Sông Lô-đường 2, Bắc Kạn-đường 3, đường 4; đánh mạnh ở sông Lô và đường 4, tiến tới ngăn chặn từng gọng kìm của địch.
Thực hiện chủ trương đó, quân đội ta đã tổ chức và giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh nổi tiếng, như: Bông Lau (30-10); Chợ Đồn (21-10); Sông Lô (23, 24-10 và 10-11-1947)… Do chịu nhiều tổn thất, từ ngày 21-11, địch bắt đầu bí mật rút quân khỏi Việt Bắc.
Ta kịp thời tổ chức lực lượng đánh địch trên nhiều hướng, như: Tập kích đồn Phủ Thông (30-11), phục kích nhiều trận ở Sơn Dương, Bình Ca, Đèo Khế, Phan Lương, Đèo Giàng (15-12)...
Ngày 20-12-1947, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.200 quân địch, bắn rơi 18 máy bay, đánh chìm 54 tàu, xuồng, phá hủy 255 xe quân sự, thu 25 pháo (20mm đến 105mm), hơn 2.000 súng bộ binh.
Bước trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Chiến dịch Việt Bắc là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ta đã bẻ gãy, đập tan mục tiêu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, tạo ra sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa ta và địch; làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài.
Với thắng lợi của chiến dịch, cơ quan đầu não kháng chiến và căn cứ địa Việt Bắc được bảo vệ an toàn, sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực được nâng cao, phát triển lên một bước mới, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Lần đầu tiên Quân đội ta vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “tiến công trong phản công trên địa hình rừng núi”.
Bằng lối đánh này, ta không những tránh được chỗ mạnh của địch, mà còn từng bước vô hiệu hóa, tiến tới bẻ gãy từng “gọng kìm” của chúng. Trong chiến dịch, ta đã kết hợp giữa bộ binh với pháo binh, công binh đánh trên sông, nhằm vào các đơn vị nhỏ của địch đang cơ động hoặc tạm dừng, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, gây cho chúng những tổn thất nghiêm trọng, tiến tới giành thắng lợi quyết định, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.
LÊ VĂN CỬ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.