Mục đích của cuộc hành quân là nhằm cắt đứt đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, triệt phá cơ sở hậu cần chiến lược, khiến bộ đội chủ lực của ta không thể đánh lớn trong năm 1971 - 1972; đồng thời rèn luyện khả năng tác chiến của ngụy quân để thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, thay thế quân Mỹ rút dần về nước. 

Về lực lượng, địch huy động lúc đầu 3 sư đoàn (bộ binh, dù, thủy quân lục chiến) và Liên đoàn Biệt động quân số 1, 2 lữ đoàn thiết giáp (gồm 7 tiểu đoàn, trong đó có 4 tiểu đoàn của quân Mỹ), 16 tiểu đoàn pháo binh (có 5 tiểu đoàn của quân Mỹ), 700 máy bay các loại, tổng số quân khoảng 42 nghìn (có 9 nghìn lính Mỹ). Trong quá trình hành quân được bổ sung thêm 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến (369), Trung đoàn Bộ binh 4 thuộc Sư đoàn Bộ binh 2 và một số đơn vị hỏa lực, nâng tổng quân số lên 55 nghìn (có 15 nghìn lính Mỹ), 578 xe tăng, xe thiết giáp, 318 khẩu pháo từ 105mm trở lên. Ngoài ra, quân đội tay sai Lào (quân đội phái hữu Lào) tham gia phối hợp có 2 binh đoàn cơ động (30, 31) gồm 9 tiểu đoàn bộ binh.

 Xác máy bay trực thăng của Mỹ bị quân giải phóng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bắn rơi trên đồi Không Tên, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Theo kế hoạch, địch từ hướng Đông tiến công bằng nhiều cánh theo trục Đường 9 là chủ yếu, phối hợp với quân đội tay sai Lào từ hướng Tây đánh sang; cơ động lực lượng bằng trực thăng là chính, kết hợp với hành quân bộ; nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào), chiếm giữ Đường 9 (Bản Đông, huyện Sê Pôn) tạo thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương; lùng sục triệt phá kho tàng xung quanh Sê Pôn và khu vực từ Sađi - Mường Noọng đến A Sầu - A Lưới. 

Về phía ta, nhận định khả năng địch có thể tiến công hành lang vận chuyển chiến lược của ta ở Trung - Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, đồng thời cũng dự kiến khả năng địch đánh ra phía Nam Quân khu 4, để chuẩn bị phương án đối phó, ngay trong năm 1970, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 200/QĐ-QP thành lập Binh đoàn 70 (10-10-1970) gồm 3 sư đoàn bộ binh (304, 308, và 320), Trung đoàn Pháo binh 45, Trung đoàn Pháo phòng không 241 và một số đơn vị trực thuộc, bố trí ở phía Nam Quân khu 4, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Khi địch bắt đầu cuộc hành quân ra Đường 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công ở khu vực này với nhiệm vụ tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực cơ động của địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược của ta, phối hợp và tạo điều kiện để các chiến trường khác tiến công, đánh phá “bình định” của địch. Ngày 4-2-1971, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 51/QĐ-QP thành lập Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (gọi tắt là Bộ tư lệnh 702), do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Ta huy động lực lượng gồm 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2), 4 tiểu đoàn tăng - thiết giáp (177, 297, 397, 198), 4 trung đoàn pháo binh (368, 38, 45, 84), 4 trung đoàn pháo phòng không (230, 237, 241, 491), 3 trung đoàn công binh (7, 83, 219), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ Quốc phòng và lực lượng chiến đấu tại chỗ của Đoàn 559, Quân khu Trị - Thiên (B4), Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5).

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra ba đợt:

Đợt 1 (30-1 đến 7-2-1971), địch tiến hành nghi binh, điều động lực lượng, chuẩn bị tiến công. Ta triển khai thế trận chiến dịch, đánh nhỏ để tiêu hao, làm chậm bước tiến của địch.

Đợt 2 (8-2 đến 11-3-1971), địch tiến quân bằng 3 cánh, kết hợp với đổ bộ đường không đánh chiếm Bản Đông và một số điểm cao ở phía Nam, Bắc Đường 9. Ta chặn đánh trên toàn khu vực, tập trung bẻ gãy cánh quân phía Bắc Đường 9, đập tan ý định của địch tiến công lên Sê Pôn, buộc địch phải co vào phòng ngự.

Đợt 3 (12 đến 23-3-1972), ta tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở phía Nam Đường 9, tập trung lực lượng vây ép Bản Đông. Bị uy hiếp, tiêu hao lớn sinh lực, địch bỏ xe, pháo, luồn vào rừng rút chạy. Ta truy kích, diệt thêm một số. Đến ngày 23-3-1971, Bộ tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.

Bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Bắc - Nam; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đề ra, tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo binh; gây thiệt hại nặng cho 2 trung đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 3 tiểu đoàn khác; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21 nghìn tên địch (bắt sống 1.142); bắn rơi, phá hủy 556 máy bay, 1.138 xe quân sự, 112 pháo, cối; thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 pháo, cối và 2.268 súng.

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta về tài thao lược lẫn trình độ tác chiến. Trên thực tế, mặc dù kẻ thù đã huy động đến mức cao nhất “tiềm lực”, sử dụng “ưu thế tuyệt đối” của binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng bộ đội ta đã chiến đấu dũng mãnh, kiên quyết phản công và tiến công, chia cắt và vây hãm đội hình hành quân của địch, giáng cho chúng những đòn sấm sét, giành thắng lợi giòn giã.

Thắng lợi này là một đòn chí mạng vào âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của Mỹ, đồng thời đánh bại một bước quan trọng trong chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của chúng, làm cho tinh thần của Mỹ - ngụy vốn đã suy sụp lại càng suy sụp nhanh chóng. Qua thắng lợi này, tương quan so sánh lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường miền Nam nói riêng và trên chiến trường Đông Dương nói chung thay đổi nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến cục diện chiến tranh trên chiến trường ba nước, thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước phát triển mạnh mẽ.

Đại úy, Thạc sĩ NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử quân sự)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.