Chiến dịch diễn ra từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 20 tháng 7 năm 1965 trên địa bàn khu vực Ba Gia, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh (vùng đất nằm giữa hai con sông Trà Bồng và Trà Khúc) ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận chủ lực ngụy quân Sài Gòn (Trung đoàn 51 bộ binh), hỗ trợ phong trào địa phương nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng Sơn Tịnh - Bình Sơn, giữ vững giao thông nối liền các căn cứ ở vùng rừng núi Tây Nguyên với đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ.
Tháng 3 năm 1965, trước nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam cũng như ở chiến trường Khu 5, để cứu vãn sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ quyết định đưa Sư đoàn Lính thủy đánh bộ 3 vào đóng giữ cảng Đà Nẵng và thiết lập căn cứ ở Chu Lai.
Lực lượng ngụy quân Sài Gòn làm nhiệm vụ đóng giữ và bảo vệ các căn cứ quân sự và chi khu, quận lỵ tại khu vực bắc Quảng Ngãi có Trung đoàn Bộ binh 51 thuộc Sư đoàn 25, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 3, các tiểu đoàn biệt động quân 37, 39, một chi đoàn thiết giáp, 6 khẩu đội pháo 105mm, 1 tiểu đoàn và 15 đại đội bảo an[1].
 |
Chiến sĩ Trung đoàn 1, Quân khu 5 dùng súng B-41 chiến đấu với địch trong Chiến dịch Ba Gia (tháng 5-1965). Ảnh tư liệu: Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi |
Về phía ta, sau khi đánh bại cuộc càn quét lớn của ngụy quân Sài Gòn tại khu vực An Lão ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tập trung lực lượng chủ lực mở đợt hoạt động Xuân - Hè năm 1965 trên ba hướng: Nam Tây Nguyên, Tây Gia Lai - Bắc Kon Tum và Bắc Quảng Ngãi, trong đó hướng trọng điểm là vùng đồng bằng Bắc Quảng Ngãi và thị xã Quảng Ngãi.
Đây là khu vực lực lượng địch tương đối đông, cứ điểm dày đặc, nhưng cũng là nơi địch chủ quan, sơ hở do không có hoạt động của bộ đội chủ lực ta kể từ mùa Thu năm 1964. Cùng với đó, nơi đây là địa bàn dân cư giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, lực lượng du kích tương đối mạnh, đồng thời là nơi tiếp giáp với căn cứ rừng núi, có nhiều thuận lợi cho ta khi giấu quân, cơ động lực lượng, giữ bí mật và nghi binh lừa địch.
Thực hiện chủ trương trên, tháng 5 năm 1965, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định chọn khu vực Ba Gia - Sơn Tịnh ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi làm địa bàn chủ yếu để mở chiến dịch, với mục tiêu: Tiêu diệt một bộ phận chủ lực ngụy quân Sài Gòn, hỗ trợ phong trào địa phương nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng Sơn Tịnh - Bình Sơn, giữ vững giao thông nối liền các căn cứ ở vùng rừng núi Tây Nguyên với đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn Bộ binh 1, Tiểu đoàn Bộ binh 45 (mới từ hậu phương vào), 2 đại đội sơn pháo 75mm, 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm và 1 đại đội trinh sát bộ đội chủ lực quân khu; 2 tiểu đoàn (83, 48) bộ đội tỉnh, và 2 đại đội bộ đội huyện, cùng du kích các xã trên địa bàn. Chiến dịch do Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Chu Huy Mân làm Tư lệnh, Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Nguyễn Đình Trọng) tổ chức và chỉ huy.
Phương châm chỉ đạo tác chiến chiến dịch được xác định là lấy đánh vận động và đánh địch ngoài công sự làm chính, thực hiện đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn địch; đánh chắc thắng, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, đánh dài ngày; dùng cách tập kích địch ở ngoài căn cứ để khêu ngòi, tạo thế, tạo thời cơ để đánh viện; thực hiện đánh viện nhỏ để câu viện lớn, buộc địch phải phản ứng dây chuyền; tập trung đánh viện binh đường bộ là chủ yếu, đồng thời sẵn sàng đánh địch cứu viện bằng đường không. Chiến dịch diễn ra qua 3 đợt.
Đợt 1, từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6 năm 1965: Tác chiến khêu ngòi, lập thế tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 bộ binh ngụy quân Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi trận then chốt chiến dịch.
Đợt 2, từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 25 tháng 6 năm 1965: Phát triển thắng lợi, đẩy mạnh tiêu diệt, phá kìm kẹp, tích cực hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Đợt 3, từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 7 năm 1965, diệt đồn Ba Gia, tạo điều kiện mở mảng trên trục đường Trà Bồng - Bình Sơn.
Kết quả, ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn, diệt và làm tan rã 2 đại đội bảo an, 22 trung đội dân vệ. Loại khỏi vòng chiến đấu 2.200 tên địch, trong đó có 1 tên Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 bộ binh, 8 tên Thiếu úy, 3 tên Chuẩn úy và 30 tên hạ sĩ quan. Thu 973 khẩu súng các loại, nhiều quân trang, quân dụng, đạn dược. Phá hủy 15 xe vận tải quân sự, bắn rơi 15 chiếc máy bay các loại[2].
Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Chiến dịch Ba Gia giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam nói chung và Quân khu 5 nói riêng, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, ta mở chiến dịch tiến công quy mô nhỏ mà đạt kết quả lớn (diệt 1 chiến đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược ngụy quân Sài Gòn), thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Quân khu 5 về nghệ thuật đánh tiêu diệt địch, khả năng thực hành và vận dụng hiệu quả nghệ thuật chiến dịch Việt nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành công đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chọn địa bàn và khu vực tác chiến, đối tượng và mục tiêu tiến công, về cách đánh vận động và nghệ thuật tạo thế, khêu ngòi, cũng như nghệ thuật tổ chức chỉ huy và điều hành chiến dịch...
 |
Tượng đài chiến thắng Ba Gia dưới chân núi Tròn. Ảnh: Tỉnh đoàn Quảng Ngãi |
Chiến dịch Ba Gia cũng là sự kiện đánh dấu sự hình thành nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, với đầy đủ ba bộ phận chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, như Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhận định: “Đây là một trận đánh tiêu diệt đạt hiệu suất cao, đánh dấu một bước tiến mới về trình độ đánh tiêu diệt của chủ lực ta đối với quân chủ lực quân đội ngụy ở chiến trường đồng bằng Khu 5”[3].
Tuy nhiên, bên cạnh những thắng lợi to lớn cả về quân sự và chính trị, Chiến dịch Ba Gia cũng phản ánh trình độ tổ chức chỉ huy cũng như lý luận về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của ta trên chiến trường lúc đó còn chưa phát triển, trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho chiến dịch còn nhiều thiếu thốn. Điều đó đã dẫn đến những thiếu sót như chưa phát huy được cao độ phương thức đấu tranh “hai chân, ba mũi, ba vùng” trong chiến dịch có nhiều lực lượng tham gia, kết quả tiêu diệt sinh lực địch còn hạn chế.
NGUYỄN THỊ THẢO (Viện Lịch sử Quân sự)
[1] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 52.
[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự, Một số Chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập 1: 1964 -1966, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 137-138.
[3] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.28.