Từ mùa xuân năm 1949, nội chiến cách mạng lần thứ ba ở Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định.
Đáp ứng đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam đã thành lập một lực lượng đặc biệt sang giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng vùng giải phóng ở biên khu Điền Quế - Việt Quế (sát biên giới Trung - Việt), chuẩn bị địa bàn cho chủ lực Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến xuống Hoa Nam.
Trên cơ sở nhất trí giữa ta và bạn, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam quyết định thành lập Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn, do đồng chí Lê Quảng Ba, Phó tư lệnh Liên khu 1 (Việt Nam) làm Tư lệnh, đồng chí Trần Minh Giang, Bí thư Địa ủy Khu Thập Vạn Đại Sơn, Chính ủy Chi đội 3, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc làm Chính trị ủy viên.
Lực lượng tham gia, bộ đội Việt Nam có 4 tiểu đoàn bộ binh, tổ chức thành hai chi đội (28 và 6); 2 đại đội địa phương của tỉnh Lạng Sơn.
Trung Quốc có 3 tiểu đoàn, 2 đại đội giải phóng quân và một số đội vũ trang, du kích địa phương.
Lực lượng địch ở khu Long Châu (mặt trận phía Tây) có 2 trung đoàn bảo an và nhiều đội bảo vệ, tuần sát, dân đoàn địa phương; khu Khâm Châu, Phòng Thành (mặt trận phía Đông) có 3 trung đoàn.
 |
Bác Hồ căn dặn đồng chí Lê Quảng Ba (bên phải) trước khi lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Ảnh tư liệu
|
Đầu tháng 6-1949, bộ đội Việt Nam hành quân qua biên giới theo hai hướng:
Hướng tây Thập Vạn Đại Sơn (biên khu Điền Quế, giáp biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn), Chi đội 28 chia 2 mũi, cùng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến công Thủy Khẩu, Hạ Đống (ngày 10 đến 12-6), đánh chiếm La Hồi (ngày 14-6), diệt viện ở Độc Sơn (ngày 15-6); bao vây đồn Nam Quan, bức địch rút khỏi Ải Khẩu, Bằng Tường và nhiều vị trí khác, tiến công thị trấn Ninh Minh (ngày 1-7), áp sát thị xã Long Châu, kết hợp chặn viện; từ ngày 5-7, để lại một bộ phận phối hợp đánh địch và củng cố cơ sở ở vùng Nam Quan - Ải Khẩu.
Hướng đông Thập Vạn Đại Sơn (biên khu Việt Quế, giáp biên giới Lạng Sơn - Hải Ninh), Chi đội 6 hành quân qua dãy Thập Vạn Đại Sơn, đến Pắc Lầu, cùng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bao vây, tiến công bức địch rút khỏi Trúc Sơn, Nà Lương, Vòng Chúc, đánh gặp địch ở Mào Lẻng, Quan Đường, phục kích tại On Mộc; phối hợp với du kích địa phương tiễu phỉ, củng cố vùng mới giải phóng.
Đến cuối tháng 10-1949, bộ đội Việt Nam rút quân về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Trung Quốc.
Trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, bộ đội Việt Nam đã cùng Quân Giải phóng nhân dân và nhân dân Trung Quốc diệt và làm tan rã nhiều đơn vị quân Quốc dân Đảng Trung Quốc; giải phóng nhiều thị trấn, làng, xã, góp phần củng cố và mở rộng căn cứ địa cách mạng Trung Quốc ở vùng Hoa Nam. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động của ta ở vùng Đông Bắc Việt Nam, ngăn chặn tàn quân Quốc dân Đảng Trung Quốc tràn xuống Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Ninh.
Thắng lợi của chiến dịch khẳng định tinh thần quốc tế vô sản của bộ đội Việt Nam, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
NGUYỄN VĂN TÙNG (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.