Người trẻ có một tài sản-như là thứ vốn của đời người, đó là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là điều kiện, là yếu tố đầu tiên cho phép người ta có những ước mơ, những dự định, những hành động. Dám làm, có thể làm, có điều kiện để làm là khi người ta còn trẻ. Bởi vậy, nói về văn học trẻ là nói về những việc làm trong sự hăm hở của tuổi trẻ trước các vẫy gọi của cuộc đời.
Nhìn nhận về văn học Việt Nam từ thế hệ các nhà văn trẻ, có thể nói, điều đầu tiên cảm nhận được là sự nhập cuộc sôi nổi và tự tin. Trong bất cứ không gian xã hội nào, tuổi trẻ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong để tiến hành những kiến tạo xã hội. Trẻ, năng động, nhanh, hiểu biết xã hội, công nghệ... chính là người trẻ. Họ sở hữu những kỹ năng, tri thức nền mà thế hệ cha anh không có, không thể. Do đó, chính họ, không phải ai khác, tạo nên diện mạo của thời đại, diện mạo của thế hệ mình. Trong một hình dung chủ quan đầy giới hạn, xin được nhắc đến những cái tên, những mảnh ghép làm nên bức tranh văn học trẻ Việt Nam đương đại:
Về văn xuôi có: Đinh Phương, Kim Hòa, Hạnh Nguyên, Nhật Phi, Chu Thùy Anh, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Tiểu Châu, Bùi Cẩm Linh, Cẩm Thương, Cao Nguyệt Nguyên...
Về thơ có: Vi Thuỳ Linh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Tuệ Nguyên, Lam Hạnh, Lữ Thị Mai, Mạc Mạc, Linh Lê, Du Nguyên, Việt Anh...
Về lý luận phê bình có: Trần Ngọc Hiếu, Trần Thiện Khanh, Mai Anh Tuấn, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Ngô Hương Giang, Trịnh Nữ, Nguyễn Văn Hùng, Đặng Thái Hà...
Có thể nhận thấy, với những tên tuổi được biết đến trong quan sát đầy giới hạn của người viết, văn học trẻ Việt Nam đương đại đang tạo nên những hy vọng cho tương lai của văn chương Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay, viết như là một bản năng sinh tồn. Viết để hiện diện, để đối thoại với tồn tại, bản thể và tha nhân. Truyền thống, cách tân chỉ là con đường, là một mẫu hình hay một cách thức cho phép cái tôi bản thể mang tính đa ngã được thể hiện. Chính nguồn sống trẻ, nhịp sống mới, nhịp đập khác của người trẻ khiến cho họ viết khác. Họ khác với những người đi trước dù họ có thể vẫn rất truyền thống. Lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh vẫn giàu tính truyền thống nhưng lại mang hơi thở của giới trẻ đô thị-một thứ lục bát thị dân. Vi Thuỳ Linh khá dịu dàng, ý nhị ở "Khát", "Linh", táo bạo, mạnh mẽ, bung thoát ở "Đồng tử", "Phim đôi tình tự chậm". Lữ Thị Mai mượt mà, yếu đuối những mơ cảm. Mạc Mạc gai gợn những suy cảm phụ nữ. Linh Lê lãng mạn với những dấu vết Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Nguyễn Phong Việt gợi cho ta những mộng mơ học trò. Lương Đình Khoa mơ mộng tuổi trẻ. Nguyễn Quang Hưng kín đáo, trầm tư, là những mảnh nhỏ khuất kín và lặng im. Việt Anh sống, yêu thương và những hoang hoải kiếm tìm bình yên. Đoàn Văn Mật suy tư mà chơi vơi… Trong văn xuôi, cũng có thể nhận thấy một Nguyễn Thị Kim Hòa giàu trắc ẩn, tha thiết; một Đinh Phương huyền mị với lối viết “sương mù”, Hạnh Nguyên-còn rất trẻ đã tạo dấu ấn riêng với những truyện ngắn “lơ lửng” một cách ám ảnh về thế hệ mình. Ở mảng phê bình, công chúng cũng đã quen biết với những tên tuổi như: Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương… được nhắc đến với sự tin tưởng về một thế hệ phê bình mới có thể đồng hành với sáng tác. Dẫu gọi tên, nhưng không thể đại diện, chúng ta còn thiếu những bản thể khác để có thể hình dung đầy đủ hơn về văn học của người trẻ. Những tác giả trẻ ở TP Hồ Chí Minh, ở những vùng miền khác mà người viết ít có may mắn được đọc, biết hay gặp đang làm cho bức tranh văn học trẻ Việt Nam được phác thảo ở đây trở nên thiếu khuyết và chủ quan.
Văn học trẻ tạo nên những dấu ấn rất đáng hy vọng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn sáng tác của những cây bút trẻ, có thể thấy đa phần các tác phẩm nằm ở thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn. Thể loại tiểu thuyết của các cây bút trẻ chưa thực sự gây được chú ý trên văn đàn. Điều đó cũng là lý do để chúng ta tin rằng, các tác giả trẻ vẫn đang "trên đường". Mặc dù vậy, chỉ riêng với thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn, các tác giả trẻ đã nỗ lực nói lên khát vọng sống và sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tác giả trẻ không chỉ ưu thế hơn thế hệ cha anh về điều kiện học hành, mà còn được sống đầy đủ trong không gian công nghệ của thế kỷ 21, nơi mà internet cùng các thiết bị kỹ thuật số đã làm thay đổi đời sống con người, thay đổi phương thức viết, thay đổi thói quen đọc. Nhưng, quan trọng hơn hết, các tác giả trẻ dần tiến đến mô hình công dân toàn cầu. Kỹ năng sử dụng internet, vốn ngoại ngữ, những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tri thức liên/xuyên không gian, thời gian, biên giới… đã tạo những tiền đề hết sức quan trọng để thế hệ trẻ có thể tiến xa hơn trên con đường sáng tác văn chương. Mặt khác, bối cảnh đất nước cũng đang từng ngày đổi mới, tạo nên những cơ hội rộng mở cho người sáng tác. Có những tác phẩm người đọc thấy xa lạ bởi không gian mang dấu ấn của nước ngoài như trong sáng tác của Hạnh Nguyên ("Những thiếu thời lơ lửng"). Lại có những tác giả trẻ quay về trầm tư trước lịch sử như Đinh Phương ("Chiều ký ức phủ gai", "Chuyến trở về của cỏ"), Nguyễn Thị Kim Hòa ("Đỉnh khói").
Có thể nói, trong một hình dung rất khái quát, văn học trẻ Việt Nam đang có một lực lượng khá hùng hậu, đang có những tiền đề thuận lợi để có thể tiến hành những cuộc bứt phá, dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại những thành tựu của văn học trẻ, hình dung đôi nét về chân dung-diện mạo của họ, chúng ta có thêm niềm tin về những giá trị còn ở phía trước.
TS NGUYỄN THANH TÂM