 |
GS, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Phương Lựu thuộc thế hệ đầu tiên được cử ra nước ngoài học đại học ngữ văn, chuyên tâm nghiên cứu lý luận văn học. Ảnh: CÔNG ĐẠT
|
Theo như tâm sự của ông, từ bé, ông đã không thích... văn học. Tổ chức phân công học đại học văn chương ở Trung Quốc, ông tìm cách xin đổi nhưng không được. Ngồi buồn đọc tiểu thuyết cổ điển “Hồng lâu mộng”, ông lại thấy thích văn học lúc nào không hay.
Đó là điểm khởi đầu cho sự nghiệp đồ sộ với hơn 20 cuốn sách riêng, 40 cuốn giáo trình và sách chung tính từ tác phẩm đầu tay “Lỗ Tấn, nhà LLVH” (1977). Có người từng nhẩm tính “Phương Lựu tuyển tập” (3 tập, xuất bản năm 2005) gần bảy mươi vạn chữ. Cần nói rõ hơn số lượng trước tác khổng lồ đó ra đời bằng nỗ lực tự học, ý chí vượt khó, lòng kiên trì hiếm thấy của vị giáo sư đáng kính. Do quy định trước đây, ông đã bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong nước và sau đó đạt học vị Tiến sĩ khoa học văn học duy nhất trong nước. Ngoài tiếng Trung Quốc được học bài bản, ông còn tự học tiếng Nga và tiếng Pháp để làm công cụ nghiên cứu. Có cuốn sách ông viết 600 trang mà phải tham khảo gần 200 cuốn sách bằng 3 ngoại ngữ. Cũng cần lưu ý rằng, phần lớn quãng đời nghiên cứu của ông ở vào thời chiến tranh, bao cấp thiếu thốn về vật chất và sách vở cũng không đầy đủ như bây giờ.
Nghiệp làm thầy ở bậc đại học, để giảng hay và sâu, không có cách nào khác là phải lao mình vào nghiên cứu, soạn giáo án, chuyên đề. Dần dần các văn bản nghiên cứu ban đầu dùng để giảng dạy, sau đó xuất bản thành những cuốn sách khác nhau. Có những chủ đề nếu không có sách của ông giới thiệu, người làm nghiên cứu văn học hoàn toàn không có tài liệu tiếng Việt để tham khảo, điển hình như cuốn “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007).
Xuyên suốt khối lượng tác phẩm đồ sộ là phương châm nghiên cứu nhất quán, xây dựng một nền LLVH dân tộc-hiện đại. Chỉ có hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại, cũng chỉ có sát hợp hơn với văn hóa dân tộc thì phương hướng hiện đại mới có triển vọng đóng góp trở lại, làm phong phú cho kho tàng lý luận chung.
Trong suốt hàng chục năm, GS, TSKH Phương Lựu kiên trì đi theo hai hướng nghiên cứu lý luận văn nghệ của dân tộc từ xưa đến nay với các công trình: “Tìm hiểu một nguyên lý văn chương” (1983), “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” (1985), “Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam” (1997)... Hướng nghiên cứu thứ hai là di sản LLVH của nhân loại với các tác phẩm đã được nhiều thế hệ nghiên cứu văn học nhớ đến: “Tinh hoa LLVH cổ điển Trung Quốc” (1989), “Tìm hiểu LLVH phương Tây hiện đại” (1995), “Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại” (1999), “Lý thuyết văn học hậu hiện đại” (2011), “Thi học cổ điển Trung Hoa” (2017), “Hậu lý luận vẫn là lý luận” (2021)...
Có người nhận xét: Nhiều cuốn sách của ông mang tính giới thiệu, nhập môn, chưa đào sâu vào một trường phái nào. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hầu hết các trường phái LLVH đều từ nước ngoài, học sinh, sinh viên nếu chưa thật giỏi ngoại ngữ rất khó tiếp cận, nắm bắt. Cho nên công việc mà GS, TSKH Phương Lựu đã làm được vô cùng đáng quý, để những người bước đầu tìm hiểu khoa học văn học có tri thức nhập môn; từ đó bước những bước tiến thật vững chắc và xa hơn về sau này.
GS, TSKH, Nhà giáo Nhân dân Phương Lựu tên thật là Bùi Văn Ba, sinh năm 1936, tại làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, ông vượt Trường Sơn ra Bắc để đi học nước ngoài. Năm 1960, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh và về nước giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006.
Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2012 cho cụm công trình: “Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX” (2001); “Từ văn học so sánh đến thi học so sánh” (2002); “Lý luận phê bình văn học” (2004); “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” (2005); “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007).
|
MỘC LAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.