Đây là tập trường ca phản ánh trực diện, trực cảm về đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh năm 2021 mà tác giả là người trong cuộc, gánh chịu nỗi đau thương chồng chất khi mất đi người chồng yêu quý trong cao điểm dịch bệnh…

leftcenterrightdel
 Bìa trường ca “Người về trong hương”.

Huệ Triệu là Nhà giáo ưu tú, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Năm 2021, chị cùng với nhà thơ Trần Mai Hường được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng danh hiệu "Nhà văn nữ ấn tượng" do có những đóng góp xuất sắc và rất ấn tượng trong công tác thiện nguyện giữa tâm dịch Covid-19. Chị là tác giả của những tập thơ nổi tiếng như: “Mùa cây thay lá” (2009), “Thức một miền xanh” (2011), “Cảm thức sông” (2014), “Thơ tình Huệ Triệu” (2015) “Đoản khúc trao mùa” (2018) và một số tập thơ in chung…

Trường ca “Người về trong hương” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9-2023. Tập trường ca gần 100 trang, được viết với giọng thơ chân thật và giàu cảm xúc từ những trải nghiệm thực tế. Tác phẩm gồm 4 chương: “Bóng vườn xanh”, “Thành phố giữa cuồng phong”, “Ngọn lửa hóa thân” và “Người về trong hương”.

leftcenterrightdel
 Bạn bè, đồng nghiệp đến chia sẻ với tác giả.

Nhà thơ Huệ Triệu chọn cách gửi gắm vào các vần thơ những nỗi đau, ký ức, nghị lực, lòng nhân ái, đức hy sinh... của những ngày tháng cao điểm của đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh nửa cuối năm 2021.

Tác phẩm được chị đề tặng cho người chồng thân yêu đã mất vì dịch bệnh, tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì đại dịch Covid-19 và tri ân những người anh hùng trên tuyến đầu chống dịch.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phát biểu cảm tưởng về trường ca.

Phát biểu cảm tưởng về tác phẩm, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Bằng trái tim đong đầy yêu thương, Huệ Triệu - người vợ, người mẹ, người thơ… đã tạo nên một cây cầu. Cây cầu này không phải là chiếc cầu vồng màu sắc thần tiên trên bầu trời, mà là một cây cầu vững chắc trên mặt đất, vượt qua dòng sông chảy xiết. Nhịp cầu đã kết nối ký ức, tình yêu và tâm hồn giữa những người đã ra đi và những người còn lại." 

Một điều đặc biệt khác là tất cả hình ảnh minh họa trong sách đều là hình ảnh được chụp từ vườn nhà của chính tác giả - nơi chồng chị từng ươm trồng, chăm chút cẩn thận. Giờ đây, khi từng loài hoa đua nhau khoe sắc tỏa hương thì người đã hóa mây trời.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các đồng nghiệp của nhà thơ Huệ Triệu chia sẻ cảm xúc tại buổi ra mắt trường ca.

Chia sẻ của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà lý luận phê bình… đều chung cảm nhận: Trường ca “Người về trong hương” đã tái hiện một cách trung thực một giai đoạn đau thương, tàn khốc do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở TP Hồ Chí Minh. Tác giả không chỉ nói lên nỗi niềm của gia đình mình mà còn bày tỏ thay cho hoàn cảnh của biết bao gia đình khác trong những ngày tháng dịch bệnh kinh hoàng.

Bằng bút pháp tự sự và mô tả, trường ca “Người về trong hương” có cấu trúc chặt chẽ, mạch thơ đằm thắm, trữ tình, thấm đẫm giá trị nhân văn và triết lý nhân sinh.

Là một nhà giáo, nhà thơ, Huệ Triệu rất nhuần nhuyễn trong nghệ thuật tu từ và mô tả, mang đến cho bạn đọc những trang viết giàu cảm xúc, những câu thơ hay đến day dứt:

…Thôi đã hết những cô đơn buồn tủi

 Anh hóa thành mây trắng nhẹ nhàng trôi

Thôi đã hết những đớn đau mòn mỏi

Đã về trời một linh hồn trong như nắng mai…

Thành phố vốn đầy nắng ấm và những nụ cười hiền, bỗng chốc hóa đau thương, tang tóc, oằn mình gánh chịu những hy sinh, mất mát thời bình. Dẫu vậy, mảnh đất nghĩa tình này vẫn cố gắng đứng lên kiên cường, cùng chở che, đùm bọc để hồi sinh.

Những con người xả thân vì nhiệm vụ, những nghĩa cử nhân văn, nhường cơm sẻ áo, những cây ATM gạo, những bữa cơm nghĩa tình… hiện ra như những bông hoa trên mảnh đất khô cằn vì mất mát.

Trường ca được viết ra, trước hết là để tỏ bày lòng thương yêu, nhớ nhung vô vàn với người đã khuất, và cũng là để tri ân nghĩa tình sâu nặng, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y, của hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ... Đồng thời, đây cũng là cách để những người ở lại đối diện với nỗi đau, vượt qua mất mát, trao gửi nghĩa tình và trân quý hơn cuộc sống này.

Bài, ảnh: THIÊN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.