Khi đặt tên cho tập sách của mình là Phiêu lưu chữ, Thiếu tá, Thạc sĩ Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã tóm lấy cái tứ xuất phát từ đặc tính, bản chất của phiêu lưu là hành trình, khám phá, tìm hiểu một đối tượng nào đó đồng thời hàm chứa sự nguy hiểm, những giới hạn, cái chưa biết, thậm chí sẽ có cả những trả giá. Dĩ nhiên, nhưng chính trong cuộc phiêu lưu, những điều mới mẻ, những chân trời được khai mở.

Một nhà phê bình chuyên nghiệp là người biết lựa chọn đối tượng, biết lẩy ra các vấn đề trong hành trình đọc của mình. Ta thấy, ở khía cạnh này, Khoa quả là người lọc lõi. Thì đây, trong tập sách của mình, anh tập trung chú ý đến Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), Kín (Nguyễn Đình Tú), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Những kỷ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung),… toàn những tác phẩm thuộc hàng tinh hoa của văn học đương đại Việt Nam. Đọc ra vấn đề nữ quyền, thân phận, chiến tranh, tự do, ám ảnh vô thức, phức cảm hiện sinh… trong các tác phẩm, Hoàng Đăng Khoa cũng cho thấy anh nhạy cảm với những vấn đề lớn của đời sống, con người và nghệ thuật đương đại. Tự thân những tác phẩm hay, những vấn đề cốt lõi của đời sống đã lôi cuốn người đọc, tiếp thêm cảm hứng, để họ, ít nhất là không bỏ cuốn sách xuống, để đọc, để thêm một lần trải nghiệm, phiêu lưu cùng sự đọc của Hoàng Đăng Khoa.

Hoàng Đăng Khoa nhạy cảm với những khía cạnh u tối, bi kịch của cõi sống. Sự phiêu lưu của anh thường dừng lại nơi những bất an của con người, những tai họa, những mảnh vỡ, cô đơn, bạo lực… Hoàn toàn không ngẫu nhiên, tâm tính của một kẻ luôn thấy bất an, âu lo, thậm chí luôn thảng thốt giật mình trước cuộc đời đã đẩy hướng nhìn của anh về phía bóng tối. Sự đọc của Khoa, nhiều chỗ đã đạt đến những tinh tế cần thiết của chức phận - nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhưng, sâu hơn, từ những vang động của bản thể, Khoa dường như đã gặp, đã vươn sóng về phía thê lương, u ám của đời sống. Có phải bởi “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương lân” mà cuộc phiêu lưu kia, vô tình đã dẫn dụ Khoa đến. Phê bình của Khoa, vì thế, giống như những câu chuyện anh mang về sau những chuyến phiêu lưu qua miền không gian nát nhàu, cô đơn, đặc quánh lo âu, trập trùng bất trắc. Thậm chí, trong thăm thẳm của bản mệnh, đó là những tự thú, tự thuật mà Khoa thốt lên sau những hành trình hoang mang, mỏi mệt.

Hoàng Đăng Khoa có ý thức làm chữ trong hoạt động phê bình của mình. Có người bảo đó là phê bình báo chí, có người bảo là phê bình nghệ sĩ, là gì đó nữa trong sự phiêu lưu, giải mã của kẻ khác. Hình như Khoa không để ý mấy đến chuyện đó, hay anh cũng chưa định dạng, định danh một lối phê bình nào cho mình? Phiêu lưu cùng Hoàng Đăng Khoa, tôi thấy, về kiểu - loại hình phê bình, Khoa đứng phía phê bình nghệ sĩ. Về phương pháp, những trang phê bình của Khoa lại ánh lên lối phê bình ấn tượng đã khá quen thuộc. Này nhé, Khoa đặt tên sách đầy lôi cuốn, gây ấn tượng, ngôn ngữ phê bình giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, cố gắng gọi đúng tên sự vật nhưng cũng nỗ lực để ngôn từ ánh lên những rung động, những tựu hình mĩ cảm trong nội giới của người viết. Nhiều người đọc thấy chữ nghĩa của Khoa khá sinh động, lạ, một số kết hợp, gọi tên khá mới mẻ với tâm thức cộng đồng. Dĩ nhiên, không phải những người kỹ chữ không nhận ra trong dáng vẻ mới mẻ kia, đôi chỗ hơi làm duyên, làm dáng. Cũng thành thực để nói rằng, với một bộ phận người đọc, chữ của Khoa là mới, nhưng, với một cộng đồng đọc khác, chữ của Khoa đã không còn lạ lẫm gì nữa. Thì có sao đâu, chắc là Khoa sẽ nói thế, bởi mỗi người có một cuộc phiêu lưu của riêng mình. 

Phê bình nghệ sĩ với phương pháp chủ đạo là ấn tượng, Khoa có những phát hiện lý thú, những thể hiện sinh động, những nhận định đích đáng. Hoàng Đăng Khoa tỏ ra ưu thế hơn ở những phiêu lưu về miền văn xuôi, dù anh là một nhà thơ. Thì sao nhỉ, người nghệ sĩ thường bị lôi cuốn bởi cái lạ. Viết về thơ, đôi khi anh không che giấu được sự dễ dãi, đôi chỗ rơi vào bình tán, ăn theo câu chữ, cảm xúc của bài thơ. Còn ở văn xuôi, Hoàng Đăng Khoa lại khúc chiết, rành mạch, nhiều chỗ sắc sảo. Những cảnh báo “nguy cơ mất nhân tính” trong Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, “chủ nghĩa nhân văn thao thiết” trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, “một dự đồ văn chương dang dở” trong Mầm đắng của Tống Ngọc Hân, “tấm khảm hứng dệt căn cước văn hóa tộc người” trong Chúa đất của Đỗ Bích Thúy,… cho thấy Hoàng Đăng Khoa có kinh nghiệm hơn từ những phiêu lưu văn xuôi. Ấn tượng của một người nghệ sĩ, lồng trong cảm xúc của một thi sĩ, dĩ nhiên, mang đến cho Khoa những trang văn đẹp, những câu chữ nổi hình, nổi nét. Văn chương, nhất là trong kỷ nguyên truyền thông, đúng sai có lẽ xét sau, trước hết phải sắc nét. Khoa làm khá tốt việc này. Nhưng, đôi chỗ, người ta thấy ấn tượng, lối phê bình nghệ sĩ đã quá phiêu lưu. Không khó để chỉ ra trong Phiêu lưu chữ những quá khích trong bình giá, những rổn rảng, hoa mĩ trong lời. Sau những cuộc phiêu lưu, trong hưng phấn từ sự chiêm ngưỡng, khám phá, lời lẽ bốc đồng cũng nên được thể tất. Nhưng, ở vị trí một nhà phê bình chuyên nghiệp, nhẽ ra, Khoa cần bình tĩnh hơn.

Bất kỳ một người làm phê bình nào cũng đều có thể cảm nhận được nỗi u ám của thị trường sách phê bình. Các nhà xuất bản, các công ty văn hóa truyền thông ngại in ấn, người đọc thờ ơ, sách in chủ yếu để biếu tặng, rồi có khi, biếu tặng mà người ta còn chả đọc,… Ấy vậy, Phiêu lưu chữ được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tài trợ xuất bản, in ấn, phát hành, sách được nhiều người chú ý, gây được thiện cảm với người đọc, được trang web thương mại điện tử Tiki.vn đưa vào danh mục sách bán chạy,… Đó là thành công của Khoa, của một lối phê bình riêng, có giọng, có nét. Trong một sự phiêu lưu khác, phê bình sự phê bình, ta thấy Phiêu lưu chữ nằm trọn vào từ trường của văn học đại chúng. Tính đại chúng, trong thế nước đôi của nó, vừa là thành công của Phiêu lưu chữ, vừa là một giới hạn mà Khoa chắc hẳn đã hình dung được.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM