Với kỳ liên hoan năm nay (diễn ra từ ngày 24-6 đến 7-7, tại Thủ đô Hà Nội), đã có những cái mới, lạ. Tại liên hoan lần thứ 3, tôi là thành viên Ban tổ chức và lần thứ 4 là người dẫn chương trình, đều diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, tôi có trăn trở nêu vấn đề với Ban tổ chức và Ban giám khảo rằng, trên sân khấu chỉ có hai loại sắc phục là cảnh phục và áo sọc (dành cho tù nhân). Sân khấu liên hoan năm nay không xuất hiện áo sọc. Hình như các tác giả, nhà làm sân khấu đã có một nhận thức khác về ngành?

Cảnh trong vở "Ngược chiều bình an" đề cập đến lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của Nhà hát Kịch Việt Nam tại liên hoan. Ảnh: TUẤN LINH

Tôi lấy một câu chuyện mới đây, khi vào Tây Nguyên làm một chương trình lễ hội về hoa dã quỳ, có gần 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng cảnh sát cơ động đến gặp tôi và đề xuất được chụp ảnh kỷ niệm, sau khi biết tôi là Nghệ sĩ Nhân dân Lê Chức-người đọc lời của 3 bộ phim tài liệu mà họ đã xem. Một đồng chí cán bộ nói: “Cảm ơn bác đã đọc lời kịch bản cho phim thực hiện về lực lượng chúng con, giúp chúng con được thay đổi trong cách suy nghĩ, cách nhìn và tình cảm của nhân dân. Vì thế, hôm nay chúng con xin được chụp một bức ảnh với bác để đặt ở phòng truyền thống đơn vị. Bác đã giúp cho nhân dân hiểu khác và có tình cảm gần gũi với lực lượng CAND hơn”. Tôi cho rằng đó chính là hiệu ứng tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, tốt đẹp của người nghệ sĩ, của văn học-nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng tới mọi đối tượng khán giả.

Nhiều vở của liên hoan năm nay đặt ra một vấn đề rất giản dị, chẳng hạn hình ảnh giọt máu cứu người hay là cứu lại những giá trị của mỗi con người trong vở kịch “Niềm tin nơi biên cương” của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn (Thanh Hóa). Đồng chí công an đổ máu vì che chắn, bảo vệ cho dân. Và trong lúc nguy nan, máu của nhân dân được truyền lại cho người công an đó. Hình ảnh cuối cùng của vở diễn là chiếc đèn đỏ quay tròn trên sân khấu, xua tan đi những bão lũ, những bất trắc của cán bộ các lực lượng và người dân vùng biên ải... 

So với nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp khác, hoặc những lần tổ chức trước đó, đến lần này, có thể thấy sân khấu về hình tượng CAND như bông hoa nở, nở rộ ở cách tiếp cận hình tượng, chuyên môn nghiệp vụ, đời sống tinh thần, tình yêu, gia đình và cả sự đối mặt với những sa ngã, tiêu cực... Như vậy là ít nhiều đã có kết quả để tiếp tục gieo những vụ mùa mới. Ở đó ghi nhận những "hạt mầm" mới của sự nỗ lực, nhiệt huyết, say mê và dồi dào năng lượng sáng tạo, cống hiến của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 21 đơn vị sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp trên mọi miền đất nước.

Ở nhiều vở diễn, có tới một nửa lực lượng diễn vở là diễn viên hát, múa. Chính họ đã vượt được tính địa phương và cả những khó khăn trong sáp nhập để đến “sân chơi” lần này. Các đoàn địa phương đã vượt lên chính mình. Khi họ xuất hiện trên sân khấu Hà Nội tức là họ đã sẵn sàng mang đến cho khán giả những tác phẩm được đầu tư dàn dựng một cách nghiêm túc nhất, nghệ sĩ sẵn sàng “đốt cháy” mình để thăng hoa nhất trên sân khấu. 

Tôi tin rằng, kỳ liên hoan tới về hình tượng CAND, hay liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hay của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chúng ta hãy cùng đứng bên cạnh nhau vì nghề nghiệp, vì khán giả vẫn đang chờ đợi chúng ta mang đến những món ăn tinh thần sân khấu giàu giá trị chân-thiện-mỹ.

Nghệ sĩ Nhân dân LÊ CHỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.